Phát biểu góp ý tại phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sáng 23-11, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ sự nhất trí với dự thảo luật cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội và các ủy ban khác của Quốc hội đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đại biểu nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành Luật Bảo hiểm xã hội mới, thay thế Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là cần thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; hoàn thiện các chính sách về an sinh xã hội, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong thực tiễn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp so với tiềm năng, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thu hút được người dân tham gia...
 |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Trọng Hải |
Giảm điều kiện hưởng lương hưu xuống tối thiểu 15 năm giúp nhiều người được hưởng lương hưu
Đề cập đến điều kiện hưởng lương hưu tại Điều 64 dự thảo luật, đại biểu cho biết, dự thảo luật đã điều chỉnh điều kiện hưởng lương hưu xuống tối thiểu 15 năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội, thấp hơn 5 năm so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Theo đại biểu, quy định này sẽ giúp thu hút được nhóm lao động cao tuổi tham gia đóng bảo hiểm xã hội, đồng thời tạo điều kiện thêm cho nhiều người được hưởng lương hưu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, nữ đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi cùng với việc vừa tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay mà đồng thời giảm điều kiện về thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu sẽ có thể dẫn đến việc người lao động lợi dụng chính sách nhiều lần rút bảo hiểm một lần, sau đó lại tiếp tục quay lại tham gia đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, đặc biệt là đối với những người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ sớm.
Ngoài ra, việc giảm điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu cũng có thể dẫn tới tình trạng nhiều người nghỉ hưu có mức thu nhập thấp do thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội ngắn. Điều này ảnh hưởng đến đời sống của người lao động khi nghỉ hưu.
"Do đó, cần tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định có liên quan kèm theo để tối ưu hóa sự thay đổi này, vừa mở rộng các đối tượng được hưởng lương hưu, vừa bảo đảm mức lương hưu được hưởng sẽ bảo đảm cơ bản đời sống của người lao động khi nghỉ hưu", đại biểu đề nghị.
Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri
Ngoài ra, quan tâm đến việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, Điều 3 dự thảo luật đã quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bổ sung các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.
"Điều này rất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của cử tri trong nhiều năm gần đây. Hầu hết tại các buổi tiếp xúc cử tri, cử tri đều kiến nghị nội dung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; hay đối với việc tham gia bảo hiểm xã hội của chủ hộ kinh doanh vừa qua cũng gặp nhiều vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật năm 2014 gây ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hộ kinh doanh cá thể", đại biểu nói.
PHƯƠNG ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.