QĐND Online - Trong hai ngày 30 và 31-1, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng tiểu ban thường trực Tiểu ban Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị Đại hội Đảng XI cùng một số thành viên trong Tiểu ban đã về Phú Yên nghiên cứu, nắm tình hình thực tiễn, phục vụ công tác chuẩn bị các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Để hợp tác xã  phát triển bền vững trong cơ chế thị trường?

Câu hỏi nói trên đã được các thành viên trong Đoàn công tác tìm được  lời giải đáp khi tiến hành khảo sát công tác xây dựng hợp tác xã huyện Tây Hoà. Huyện hiện có 14 hợp tác xã, trong đó 11 hợp tác xã nông nghiệp thu hút tới 95% tổng số hộ nông dân trong huyện tham gia.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn công tác thăm cảng Vũng Rô (Phú Yên).

Theo báo cáo của lãnh đạo huyện, sau khi Nghị quyết của Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (năm 2002), các hợp tác xã đã mở rộng kinh doanh dịch vụ, liên kết liên doanh và làm đại lý cho các công ty, mang lại hiệu quả kinh tế cho hợp tác xã. Hàng năm, các hợp tác xã đều có tích lũy, bổ sung vốn và trả lãi cổ phần cho xã viên. Riêng 11 hợp tác xã nông nghiệp năm 2008 đã tăng  nguồn vốn lên hơn 47 tỉ đồng, thay vì mức hơn 27 tỉ đồng năm 2001. Hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ đã thực hiện tốt các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như dịch vụ giao thông thủy lợi nội đồng, dịch vụ khuyến nông, bảo vệ thực vật, cơ giới hóa nông nghiệp, điều hành tốt các khâu từ sản xuất đến thu hoạch... Nhiều mô hình sản xuất đạt giá trị sản xuất từ 30 đến 50 triệu đồng/ ha/ năm. Đặc biệt năng suất lúa hàng năm đều tăng, có hợp tác xã đạt 72 tạ/ha/vụ.

Một số hợp tác đã mở rộng các dịch vụ kinh doanh như dịch vụ điện, dịch vụ tín dụng nội bộ, dịch vụ xăng, dầu; mua bán vật tư nông nghiệp và xây dựng; liên doanh, liên kết làm vệ tinh cho các đơn vị quốc doanh, tạo ra ngành nghề mới ở nông thôn như thêu ren, sản xuất đá lạnh, gia công hàng tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu, mua bán tiêu thụ hàng hóa cho xã viên...

Một số hợp tác xã vốn làm ăn yếu kém, nay đã vươn lên, làm ăn có hiệu quả, được đông đảo xã viên đồng tình, ủng hộ và gắn bó. Điển hình là mô hình ở hợp tác xã nông nghiệp-kinh doanh-dịch vụ Hòa Phong. Hợp tác xã này đã thực sự là tổ chức kinh tế tập thể, được nông dân góp vốn và công sức, vừa thực hiện chức năng sản xuất kinh doanh vừa làm dịch vụ hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển. Tổng doanh thu từ gần 3 tỉ đồng năm 1996 đã tăng lên hơn 12 tỉ đồng năm 2009. Sự phát triển của Hợp tác xã đã góp phần vào việc thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đưa thu nhập bình quân đầu người của toàn xã Hoà Phong năm 2009 lên 8,5 triệu đồng/người/năm, tăng so với mức 2,5 triệu đồng/ người/ năm. Năm 2006, Hợp tác xã nông nghiệp-kinh doanh-dịch vụ Hòa Phong đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Theo đồng chí Lê Luân, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Phú Yên: Số lượng hợp tác xã hiện nay  tuy giảm nhiều so với trước đây, nhưng nhờ đổi mới  cơ chế quản lí theo hướng kinh doanh có lãi để trả cổ tức cho xã viên. Hiện toàn tỉnh có 208 hợp tác xã, trong đó có 143 hợp tác xã đang hoạt động. Số hợp tác xã ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể được do cơ chế, luật pháp hiện nay chưa quy định rõ ràng về vấn đề này. Đồng chí Chủ tịch Liên minh hợp tác xã đều nghị cần Nhà nước cần có chính sách cụ thể hỗ trợ hợp tác xã như chính sách đào tạo cán bộ, chính sách tín dụng, việc thực hiện bảo hiểm xã hội đối với cán bộ quản lí hợp tác xã.

Các thành viên trong Đoàn công tác cho rằng: Thực tế phát triển kinh tế tập thể tại Tây Hòa và cụ thể là Hợp tác xã nông nghiệp-kinh doanh- dịch vụ Hòa Phong đã cho thấy, nếu tổ chức hợp tác xã theo mô hình của tổ chức kinh tế tập thể, quản lý chặt chẽ, đội ngũ cán bộ có trình độ phù hợp thì sẽ hoạt động có hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, giải quyết việc làm, giúp xã viên xóa đói giảm nghèo, xây dựng cơ sở vật chất, tạo nên bộ mặt nông thôn mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các thành viên Đoàn công tác ghi nhận những ý kiến, kiến nghị từ các hợp tác xã trong huyện về cơ chế, chính sách đối với sự phát triển của hợp tác xã. Đồng chí Chủ tịch Quốc hội đặc biệt ấn tượng với thành tựu trong phát triển toàn diện lĩnh vực nông nghiệp và phong trào làm ăn tập thể, phát triển kinh tế hợp tác xã của bà con nơi đây. Thực tế cho thấy, trong khi không ít địa phương khác còn đang lúng túng với hoạt động của hợp tác xã thì mô hình hợp tác nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ ở Tây Hòa là rất đáng nghiên cứu, tổng kết. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng lưu ý, những kết quả nêu trên mới là bước đầu. Trong thời gian tới, huyện cần tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá thực chất hoạt động của mô hình kinh tế hợp tác xã,  góp phần nâng cao đời sống của bà con, cùng với cả nước thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá

Làm việc với xã Ea Chà Rang và huyện Sơn Hoà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng quan tâm đặc biệt tới việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Trên cơ sở tiềm năng đất đai và nguồn nhân lực, Sơn Hoà đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá, giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, gắn nông nghiệp với công nghiệp chế biến và dịch vụ.

Trong nông nghiệp, Sơn Hoà đã phá thế độc canh cây lúa, chuyển nhiều diện tích sang trồng mía và trồng sắn có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong chăn nuôi, bà con trong huyện cũng đã chuyển dần sang việc chăn nuôi  bò lai và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Nhờ sự chuyển dịch cơ cấu  kinh tế này mà đời sống của bà con các dân tộc thiểu số trong huyện đã có sự cải thiện đáng kể, số hộ nghèo giảm dần theo từng năm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói chuyện thân mật với bà con các dân tộc thiểu số xã Ea Chà Rang huyện Sơn Hoà

Theo báo cáo của Thường vụ Tỉnh uỷ Phú Yên, trên quy mô toàn tỉnh, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đang theo chiều hướng tích cực. Tỉ trọng ngành công nghiệp-xây dựng trong cơ cấu GDP tăng từ mức 11,9 % (năm 1990) lên mức 36,4 % (năm 2010); tỉ trọng ngành nông-lâm-thuỷ sản giảm từ 55,7% (năm 1990) xuống còn 28,7 % (năm 2010). Nhờ sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế này mà tốc độ tăng trưởng GDP của Phú Yên cao hơn mức bình quân của cả nước. Riêng trong giai đoạn 2006-2010 ước tăng 12,3%/năm.  Thu nhập bình quân tính trên đầu người của Phú Yên cũng tăng mạnh, từ mức 760 nghìn đồng/người/năm vào năm 1990 lên mức 15 triệu đồng/người/năm vào năm 2010. Giai đoạn 2006-2010 thu nhập bình quân tính trên đầu người của Phú Yên  ước tăng 19,7 %/năm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Phú Yên và khẳng định : Sự phát triển của Phú Yên trong thời gian quan đã chứng tỏ đường lối của Đảng là đúng đắn. Hướng đi của Phú Yên đã rõ. Tuy nhiên, Phú Yên nên khai thác tốt hơn tiềm năng của biển, của rừng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nên căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Lĩnh vực dịch vụ còn nhiều tiềm năng phát triển.

Không được coi nhẹ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Đó là ý kiến của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong buổi làm việc với các cán bộ chủ chốt của tỉnh Phú Yên sáng 31-1.

Theo báo cáo của Thường vụ Tỉnh uỷ Phú  Yên, đến cuối năm 2008, cả tỉnh đã xây dựng được chi bộ Đảng ở 100% thôn, buôn, khu phố, trường học. Các cấp uỷ đều nhận thức tổ chức cơ sở Đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở nên đã tập trung chỉ đạo, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Công tác đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên luôn được quan tâm chỉ đạo, đánh giá đúng thực chất hơn, các cấp uỷ đều xây dựng kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đảng viên, nhất là các tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, nhờ đó đã tạo sự chuyển biến tốt trong việc xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Đối với những nơi cán bộ có trình độ năng lực còn hạn chế, không đủ sức lãnh đạo, nhưng không có nguồn tại chỗ, ban thường vụ cấp uỷ cấp trên đã kịp thời luân chuyển, bổ sung cán bộ có đủ năng lực lãnh đạo về thay thế, đồng thời có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ kế cận để bổ sung, tạo nguồn cán bộ tại chỗ.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Thọ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Phú Yên: Về việc thí điểm thực hiện đồng chí Bí thư huyện uỷ kiêm Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Đảng uỷ xã kiêm Chủ tịch UBND xã ở Phú Yên, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, với các địa phương tổ chức theo mô hình này, nên bố trí thêm một đồng chí  làm nhiệm vụ phó bí thư, ngoài phó bí thư thường trực để bảo đảm sinh hoạt tập thể thường trực cấp uỷ.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Việc để đồng chí Bí thư Đảng kiêm Chủ tịch UBND bước đầu cho thấy là thuận, nhưng cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Nhưng chú ý xây dựng quy chế làm việc để phát huy được dân chủ, trí tuệ tập thể, hạn chế viẹc chuyên quyền độc đoán trong lãnh đạo vấn đề quan trọng là chọn người đứng đầu này phải đủ tầm cả phẩm chất và năn lực.

Nhân dịp đầu năm mới 2010 và chuẩn bị đón xuân Canh Dần, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã gửi lời chúc mừng năm mới tới toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, các lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân tỉnh Phú Yên. Đồng chí chúc Đảng bộ, chính quyền và quân dân tỉnh Phú Yên trong năm mới Canh Dần sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh.

Trong thời gian làm việc tại Phú Yên, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn công tác đã đến thăm cảng Vũng Rô, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, một số doanh nghiệp trong tỉnh, thăm và tặng quà đồng chí Phan Ngọc Bích, đảng viên 80 năm tuổi Đảng.

Bài và ảnh: Đỗ Phú Thọ