Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó ban Thường trực Ban chỉ đạo Tổng kết cho biết: 10 năm qua cả nước có 918 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác trên 310.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Việc kê khai tài sản, thu nhập và công khai đạt trên 98%.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XI, Ủy ban kiểm tra các cấp đã tiến hành kiểm tra 2.957 đảng viên có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng; cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 3.730 đảng viên và Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 1.143 đảng viên vi phạm liên quan đến tham nhũng, cố ý làm trái. Công tác thanh tra, kiểm toán cũng góp phần phát hiện hàng nghìn vụ án tham nhũng, đưa ra xét xử nghiêm minh.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đã đưa 244 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và các Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo xử lý đẩy nhanh tiến độ điều tra, đưa ra xét xử nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Đến nay, các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã đưa ra xét xử sơ thẩm 19 vụ với 220 bị cáo, trong đó có 8 án tử hình, 12 án chung thân, 5 án tù 30 năm, 183 án tù có thời hạn từ 2 đến 25 năm.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị. 

Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa 10 những năm qua vẫn chưa đạt yêu cầu và mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí. Tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Tham nhũng có tính “lợi ích nhóm” đã xuất hiện trong một số lĩnh vực. Tình trạng sách nhiễu, “tham nhũng vặt” trong khu vực công còn nhiều. Một số vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước và xã hội. 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Hòa Bình nêu rõ: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó, Nghị quyết Trung ương 3 khóa 10 là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. "Phòng, chống tham nhũng, lãng phí là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cấp bách, lâu dài, liên quan đến sự phát triển bền vững của đất nước, sự tồn vong của chế độ". Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự chuyển biến tích cực, thể hiện trên các mặt: Phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, góp phần quan trọng vào giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Trao đổi kinh nghiệm trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng; đề cao vai trò trách nhiệm giám sát của các cơ quan dân cử, cơ quan báo chí, các đại biểu còn cho rằng, cần quan tâm công tác chống lãng phí, đặc biệt là tại một số dự án đầu tư công lớn bị phát hiện gần đây.

Các đại biểu cũng đã thẳng thắn thảo luận, đánh giá và cho ý kiến làm rõ nhiều nội dung, trong đó cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, gắn công tác này với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 12) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội để phòng ngừa tham nhũng.

Tin, ảnh: VIỆT HOÀNG