Để có thể hiểu rõ hơn về chuyến thăm được coi là lịch sử ấy, phóng viên Báo Quân đội nhân dân tìm gặp Trung tướng Phạm Thanh Lân, nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Quốc phòng, một trong những người tháp tùng Đại tướng Phạm Văn Trà thăm Hoa Kỳ vào năm 2003. Theo Trung tướng Phạm Thanh Lân: Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, tháng 3-2000, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ khi ấy là ông William Cohen đã thăm Việt Nam. Một số cơ quan ngoại giao và quốc phòng của Việt Nam cũng cử đoàn sang thăm Hoa Kỳ, trong đó có đoàn do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung tướng Trần Hanh dẫn đầu, nhưng thăm cấp Bộ trưởng Quốc phòng thì tuyệt nhiên chưa có. Một câu hỏi được đặt ra: Phải chăng Quân đội nhân dân Việt Nam nên có một chuyến thăm đáp lễ chuyến thăm Việt Nam của ông William Cohen? Bối cảnh lúc đó xem ra cũng rất phù hợp, bởi Việt Nam đang bước vào giai đoạn thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế. Vậy là ý định tổ chức chuyến thăm Hoa Kỳ của Bộ trưởng Phạm Văn Trà được Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) báo cáo lên lãnh đạo cấp cao. Sau khi được sự chấp thuận về chủ trương, Đảng ủy Quân sự Trung ương yêu cầu các cơ quan chức năng phải chuẩn bị thật tốt, chu đáo về mọi mặt và có những phương án phù hợp cho chuyến thăm.

Đại tướng Phạm Văn Trà và các thành viên đoàn Việt Nam chụp ảnh cùng Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell trong chuyến thăm Hoa Kỳ, tháng 3-2003. Ảnh do Trung tướng Phạm Thanh Lân cung cấp. 

Về phía Cục Đối ngoại, Trung tướng Phạm Thanh Lân (khi đó mang quân hàm Thiếu tướng) khẩn trương bàn bạc với đội ngũ cán bộ chủ chốt trong đơn vị để đưa ra phương án hợp lý nhất, từ đó tham mưu cho cấp trên. Kế hoạch cuối cùng được chốt lại là ngoài thăm Hoa Kỳ, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ thăm cả Brazil và Bỉ, bởi hai quốc gia này cũng có lời mời. Cục Đối ngoại bắt đầu làm công tác chuẩn bị cho chuyến công du 3 nước của Bộ trưởng Phạm Văn Trà, với điểm đến trọng tâm là Washington. Trung tướng Phạm Thanh Lân cũng là người trực tiếp nhận thư mời của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ do Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội Raymond Burghardt và Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ, Đại tá Steve Ball trao.

Thế nhưng, đó không phải là lần gặp duy nhất giữa Trung tướng Phạm Thanh Lân và vị Đại sứ Hoa Kỳ trước khi chuyến thăm diễn ra. Còn có các cuộc gặp lần hai, lần ba, lần thứ tư giữa họ tại Hà Nội. Một số khó khăn cũng được phía Hoa Kỳ nêu rõ để tìm cách tháo gỡ. Chẳng hạn, theo luật an ninh của Hoa Kỳ, các đối tác tới thăm đều phải dừng kiểm tra an ninh và chờ đợi tại sân bay khoảng 2 tiếng đồng hồ, trong khi ở chuyến thăm trước đó của ông William Cohen, phía Việt Nam đón đoàn bạn ngay tại cầu thang máy bay và nhanh chóng đưa về khách sạn để rút ngắn thời gian chờ đợi, tránh gây mệt mỏi. Qua vài lần trao đổi, Đại sứ Hoa Kỳ Raymond Burghardt cho biết sẽ báo cáo về Washington xin ý kiến và cuối cùng trả lời rằng, Lầu Năm Góc sẽ cử một vị tướng 2 sao đón đoàn Việt Nam tại sân bay New York và dùng chuyên cơ của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chở thẳng về thủ đô Washington.

Những khúc mắc cũng chưa dừng lại ở đó. Theo Trung tướng Phạm Thanh Lân, khi Bộ trưởng Quốc phòng William Cohen sang thăm Việt Nam vào năm 2000, ta đã bố trí để ông William Cohen đến chào xã giao Chủ tịch nước. Vậy nên lần này đến Hoa Kỳ, Bộ trưởng Phạm Văn Trà và đoàn Việt Nam đề nghị đến chào xã giao lãnh đạo nước chủ nhà. Tuy nhiên, khi đề xuất này được nêu ra thì cả Đại sứ Raymond Burghardt và Tùy viên Quốc phòng Steve Ball đều trả lời rằng, họ cần tiếp tục báo về Washington xin ý kiến, bởi theo thông lệ, Tổng thống Hoa Kỳ rất hiếm khi tiếp bộ trưởng các nước. Không lâu sau đó, Đại sứ Raymond Burghardt mời Trung tướng Phạm Thanh Lân và một cán bộ của Cục Đối ngoại đến nhà riêng ăn tối, tiện bàn công việc. Đang dùng bữa, vị Đại sứ ghé sát Trung tướng Phạm Thanh Lân và nói nhỏ: “Washington nhận lời tiếp Bộ trưởng Phạm Văn Trà 15 phút”. Khi ấy, vẫn chưa rõ Tổng thống hay Phó tổng thống Mỹ sẽ là người tiếp, nhưng xem ra mọi việc đang diễn biến theo hướng tích cực.

Cùng khoảng thời gian này, Bộ trưởng Phạm Văn Trà cử Trung tướng Phạm Thanh Lân đến xin ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nghe báo cáo xong, Đại tướng gật đầu: “Thăm Hoa Kỳ vào thời điểm này là đúng” và cũng không quên căn dặn vài điều.

Ngày 19-11-2003, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Đại tướng Phạm Văn Trà dẫn đầu chính thức đặt chân tới đất Hoa Kỳ và mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch đã định. Cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tại Lầu Năm Góc diễn ra cởi mở, với nhiều vấn đề được hai bên trao đổi. Phía Hoa Kỳ bày tỏ muốn thúc đẩy công tác tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam và cam kết sẽ nhờ cựu binh Hoa Kỳ cung cấp thông tin về những nơi có quân nhân Việt Nam mất tin/mất tích. Trong khi đó, Đại tướng Phạm Văn Trà đề nghị các công ty Hoa Kỳ từng tham gia sản xuất, sử dụng các loại hóa chất độc trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam cần phải có trách nhiệm về đạo lý và tinh thần với các nạn nhân Việt Nam…

Cuộc hội đàm đang suôn sẻ, bất ngờ Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đưa ra ý kiến: Trên Biển Đông thường xuyên xuất hiện nhiều bão lớn, trong khi Hoa Kỳ có các tàu nổi lớn, rất hữu ích trong hoạt động cứu hộ cứu nạn, nên nếu Việt Nam có nhu cầu, Hoa Kỳ sẽ tặng. “Nếu các ngài bán thì chúng tôi mua, với điều kiện tàu không có vũ khí”, Đại tướng Phạm Văn Trà đáp. Cả phòng họp cười lớn.

Buổi hội đàm kết thúc cũng là lúc trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ bước vào thông báo rằng, Tổng thống Mỹ George W.Bush sẽ tiếp Bộ trưởng Phạm Văn Trà ở phòng bên cạnh. Đoàn Việt Nam dự cuộc tiếp hôm đó có Đại tướng Phạm Văn Trà, Trung tướng Phạm Thanh Lân và một phiên dịch viên. Tổng thống Hoa Kỳ tươi cười bắt tay từng người. Sau khi nghe Bộ trưởng Phạm Văn Trà thông báo vắn tắt về kết quả cuộc hội đàm với người đồng cấp, Tổng thống George W.Bush nói: “Chúng tôi đón ngài Phạm Văn Trà sang thăm và hôm nay, Hoa Kỳ đã hoàn toàn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam”. Tất cả những người có mặt lại cười vang. Ban đầu, buổi tiếp dự kiến sẽ diễn ra trong 15 phút, nhưng rồi kéo dài tới 35 phút.

Tối cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tổ chức chiêu đãi đoàn Việt Nam tại Lầu Năm Góc và mời thêm các cựu binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam. Buổi chiêu đãi diễn ra vui vẻ. Một vài cựu binh Hoa Kỳ chia sẻ rằng, họ rất mong tìm được thông tin về những đồng đội đã mất tích trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong chuyến thăm kéo dài 4 ngày được đánh giá là rất thành công này, đoàn Việt Nam còn có cuộc gặp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell và thăm đài tưởng niệm cố Tổng thống Washington (Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ)…

Trước khi chia tay, phóng viên Báo Quân đội nhân dân hỏi Trung tướng Phạm Thanh Lân: "Điều gì khiến những ký ức về chuyến thăm Hoa Kỳ cách đây gần 17 năm vẫn còn nguyên vẹn và rõ nét trong ông?". Rất nhanh, vị tướng về hưu nhưng từ khuôn mặt đến giọng nói vẫn tràn đầy khí chất ngoại giao trả lời rằng: “Dễ hiểu thôi! Vì đó là chuyến thăm mang tính chất lịch sử, là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đến thăm một quốc gia từng là đối tượng tác chiến sau khi hai bên bình thường hóa quan hệ”.

Cũng có thể gọi chuyến thăm ấy đã tạo nền móng cho hợp tác quốc phòng, an ninh, vốn từng được coi là lĩnh vực nhạy cảm và ít đem lại sự hào hứng nhất trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, phát triển hiệu quả như những gì đang diễn ra hôm nay.

VŨ HÙNG - VĂN HIẾU