QĐND Online – Là một trong những trường đại học trọng điểm quốc gia, Học viện Quân y được biết đến là một trong những trung tâm hàng đầu về đào tạo y- dược của đất nước. “Thương hiệu” ấy được chắt chiu, vun đắp qua hơn 65 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của học viện. Riêng 5 năm qua (2009-2014), học viện đã có những bước đột phá hết sức ấn tượng…

Gỡ “nút thắt”

“Để tạo niềm tin và khơi dậy nhiệt huyết trong học tập và rèn luyện cho học viên, lãnh đạo, chỉ huy các cấp của Học viện đã phân tích, xác định những “nút thắt” và kiên quyết tháo gỡ những “nút thắt” ấy, nhằm thúc đẩy học viện thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị trung tâm là giáo dục và đào tạo”, trước thềm Đại hội Thi đua quyết thắng giai đoạn 2009-2014 của Học viện Quân y, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Trọng Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy học viện đã chia sẻ với chúng tôi như vậy.

Một vài năm trước, qua tìm hiểu, lãnh đạo học viện nhận thấy giữa học viên và đội ngũ cán bộ quản lý còn tồn tại nhiều bất cập, do phương pháp quản lý của cán bộ chưa phù hợp, chưa động viên được tính tự giác trong rèn luyện, học tập và phấn đấu của học viên; ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của học viên.

Một giờ thực hành của học viên Học viện Quân y tại Trung tâm mô phỏng y học. Ảnh: Xuân Phú.

Thường vụ Đảng ủy Học viện đã chỉ thị cho Đảng ủy Hệ Đại học đánh giá, nhận xét từng cán bộ quản lý của các lớp; cấp ủy nhận xét ưu, khuyết điểm từng đồng chí và tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm. Lãnh đạo học viện đã trực tiếp gặp gỡ, uốn nắn, động viên; sắp xếp lại một số vị trí và tổ chức bồi dưỡng trình độ, phương pháp, tác phong công tác cho đội ngũ cán bộ quản lý…Nhờ vậy, công tác quản lý học viên đã có những chuyển biến rõ rệt. “Nút thắt” thứ nhất đã được “hóa giải”.

Thực tế chất lượng đầu vào của học viên Học viện Quân y khá cao, song tỉ lệ học viên giỏi của học viện từ năm học thứ 2 đến năm học thứ 6 thấp dần, đó là điều khiến lãnh đạo, chỉ huy học viện trăn trở. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Chính thẳng thắn chia sẻ: “Nguyên nhân một phần vì các em chán nản bởi cho rằng còn có những tiêu cực nhất định trong thi cử, phần khác bởi các em suy nghĩ có học tốt thì sau khi tốt nghiệp cũng khó có thể được về nơi công tác đúng nguyện vọng, nên thiếu quyết tâm phấn đấu”.

“Nút thắt” tiếp theo đã được tìm ra! Để tháo gỡ nó đòi hỏi phải chống tiêu cực trong thi cử quyết liệt hơn nữa.

Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Tuấn, Trưởng Phòng Đào tạo Học viện Quân y cho biết: Nhiều biện pháp cụ thể đã được học viện triển khai nhằm chống tiêu cực trong thi cử, như: Tích cực phổ biến, quán triệt để các đối tượng học viên nắm chắc quy chế thi; nhà trường thông báo rõ kế hoạch học tập, kiểm tra và thi ngay từ đầu năm học, để học viên chủ động học tập, ôn luyện, tránh vi phạm quy chế thi; tổ chức thi kết thúc môn, thi tốt nghiệp bằng phần mềm, theo hình thức học viên bốc thăm khối thi, bàn thi, bệnh nhân thi hoàn toàn ngẫu nhiên trên máy tính, đảm bảo được tính công bằng, minh bạch; thi vấn đáp, trắc nghiệm phải công khai kết quả thi ngay trong ngày, thi tự luận trong vòng một tuần phải công bố kết quả thi, trên mạng nội bộ và tại các lớp….

Ngoài ra, để tăng tính công khai, minh bạch, sau mỗi môn thi, điểm thi của học viên được gửi đồng thời về 4 bộ phận là Phòng Đào tạo, Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, bộ môn, hệ quản lý học viên; trước khi tốt nghiệp, bảng điểm của học viên được gửi xuống các hệ, để học viên tự kiểm tra điểm của mình và kiểm tra chéo điểm của nhau, tránh hiểu lầm, thắc mắc không đáng có…Và một trong những biện pháp quan trọng khác là học viện luôn xử lý kiên quyết, nghiêm khắc mọi trường hợp vi phạm quy chế thi và kiểm tra…

Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ huy Học viện đã thường xuyên tổ chức đối thoại với học viên, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của học viên; kịp thời động viên khích lệ tinh thần phấn đấu vươn lên trong học tập; nêu những cơ hội có thể ở lại Học viện Quân y hoặc các bệnh viện lớn trong quân đội cho những em học khá, giỏi trong 6 năm học.

Nhờ những cách làm như vậy, niềm tin, nhiệt huyết phấn đấu của học viên được nâng lên rõ rệt, thể hiện rõ nét qua từng năm học. Nếu như năm 2013, học viện có 270/271 học viên tốt nghiệp (đạt 99,63%), có 80,07% khá giỏi (trong đó có 4,8% giỏi), 0,37% không đạt yêu cầu, thì sang năm 2014, có 254/254 học viên tốt nghiệp ra trường (đạt 100%), có 82,28% khá, giỏi (trong đó có 7,08% giỏi).

Xác định giảng viên giữ vai trò quyết định trong công tác GD-ĐT nên trong những năm qua, cùng với tổ chức đào tạo tại chỗ, học viện còn cử giảng viên đi đào tạo tại các nước như: Cuba, Trung Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…Tính đến nay, đã có 86,97% giảng viên của học viện có trình độ sau đại học.

“Đi tắt đón đầu”

Hẳn nhiều người còn nhớ, đầu tháng 3 năm nay, y học Việt Nam đã có một bước tiến lớn, được đánh dấu bởi ca ghép thành công đồng thời tụy, thận từ người cho chết não, do các thầy thuốc Học viện Quân y thực hiện lần đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, năm 2010, học viện cũng đã thực hiện thành công ca ghép tim trên người từ người cho chết não. Đó là kết quả từ những đề tài khoa học lớn, như: “Nghiên cứu một số vấn đề ghép tụy trên thực nghiệm để tiến tới ghép tụy trên người ở Việt Nam”“Nghiên cứu triển khai ghép đồng thời tụy, thận từ người cho chết não”; hay “Nghiên cứu ghép tim trên người lấy từ người cho chết não”…

Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thăm, động viên bệnh nhân ca ghép thành công đồng thời tụy, thận đầu tiên ở Việt Nam, tháng 3-2014. Ảnh: Xuân Phú.

Thiếu tướng, GS.TS Hoàng Văn Lương, Phó giám đốc Học viện Quân y, cho biết: Trong nghiên cứu khoa học, học viện luôn thực hiện tốt phương châm “đi tắt đón đầu”. Bởi thế mà học viện luôn là nơi đi “tiên phong” trong triển khai ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại của y học thế giới, như: ghép gan, tim, thận; nội soi; nhận chuyển giao công nghệ sinh khối sâm Ngọc Linh từ Hàn Quốc…và gần đây nhất là thực hiện xét nghiệm đi-ô-xin thành công bằng kỹ thuật DR-CALUX….

Hợp tác khoa học công nghệ là một trong những nội dung được học viên chú trọng trong 5 năm trở lại đây và đã tạo được những bước đột phá. Học viện đã phối hợp nghiên cứu với các bệnh viện trong nước và quốc tế về lĩnh vực ghép tạng, can thiệp mạch, bào chế sản xuất thuốc; tổ chức nhiều hội thảo khoa học với các chuyên gia quốc tế trên các lĩnh vực nghiên cứu về y học quân sự, công nghệ sinh học, dược bào chế, miễn dịch, ghép tạng, điều trị bỏng; hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với nhiều nước trên thế giới và hiện đang thực hiện 7 đề tài theo nghị định thư với Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia… Những hợp tác quốc tế đó đã đào tạo cho học viện được 37 tiến sĩ.

Địa chỉ tin cậy

Đó là cách nói của nhiều bệnh nhân về Bệnh viện Quân y 103, Viện bỏng Lê Hữu Trác, hay Trung tâm đào tạo-Nghiên cứu Công nghệ phôi (thuộc Học viện Quân y), bởi đó là nơi người bệnh có thể trao gửi niềm tin, để được nhận lại sức khỏe, sự sống và niềm hạnh phúc. Vì thế, chuyện các cơ sở khám chữa bệnh của học viện nhận được thư cảm ơn của bệnh nhân và gia đình khá phổ biến. Và đây là những dòng thư của bà Lê Thị Thanh, quê Thiệu Hóa (Thanh Hóa), có con trai là Lê Ngọc Thông từng được cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 103, trong tình trạng vỡ sọ não: “Con tôi được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong lúc bố mẹ và người thân ở xa, chưa kịp đến. Với tấm lòng vàng và tài năng của Bác sĩ Vũ Đình Hòe và các y, bác sĩ, con tôi đã được cấp cứu, phẫu thuật kịp thời và qua cơn nguy kịch…Bệnh viện Quân y 103, Tiến sĩ Vũ Đình Hòe và các y, bác sĩ trong ca mổ là những người sinh ra cháu lần thứ hai”.

Đọc những dòng thư này lại càng thấm thía hơn chia sẻ của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Chính: “Học viện luôn quán triệt và thực hiện tốt quan điểm, phải dạy học viên học làm người trước, học làm bác sĩ sau”.

Y, bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho bà con nhân dân tại Phú Thọ.

Cùng với xây dựng y đức, chống tiêu cực trong khám và điều trị, trong những năm qua, Bệnh viện Quân y 103, Viện bỏng Lê Hữu Trác và Trung tâm đào tạo-Nghiên cứu Công nghệ phôi tiếp tục ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại vào điều trị như: Mổ tim mở, mổ nội soi, can thiệp mạch; nội soi hô hấp trong chuẩn đoán điều trị bỏng, tiêu hóa; nuôi cấy tinh tử, thụ tinh trong ống nghiệm…và hiện đang tiếp tục hoàn thiện, phát triển các kỹ thuật về ghép tạng, điều trị bỏng, thụ tinh trong ống nghiệm đưa vào điều trị thường quy để từng bước đạt trình độ khu vực và thế giới. Tính từ năm 2009 đến nay, các cơ sở khám, chữa bệnh của học viện đã khám bệnh cho hơn 1 triệu lượt người; khám cấp cứu, thu dung điều trị cho hơn 400 nghìn lượt bệnh nhân…Ngoài ra, Bệnh viện Quân y 103 còn thường xuyên cử các y, bác sĩ ra công tác tại quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), làm nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho quân, dân trên đảo, qua đó đã cứu sống nhiều chiến sĩ, ngư dân bị bệnh hiểm nghèo hoặc do tai nạn…

Nói đến các thầy giáo-thầy thuốc ở Học viện Quân y, bà con các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh miền núi, lại nhớ tới những bóng áo trắng lặn lội về vùng sâu, vùng xa, giúp bà con đẩy lùi bệnh tật. Chỉ tính từ năm 2009 đến hết tháng 9 năm nay, học viện và các đơn vị trực thuộc đã tổ chức 132 đoàn đến khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 70 nghìn lượt người ở các tỉnh phía Bắc, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bộ đội và nhân dân các địa phương về những thầy thuốc-thầy giáo, ở một trường đại học trọng điểm quốc gia.

 Bài, ảnh: PHẠM HOÀNG HÀ