QĐND Online - Đà Nẵng, một ngày cuối đông Tân Mão 2011, đang làm việc với các cựu chiến binh về Anh hùng LLVTND Phan Hành Sơn, chợt nhận được điện thoại của Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn đặc công 89 Đà Nẵng: “Anh Trần Kim Hùng đã mất hôm 19-12, thi hài quàn tại nhà riêng, di quan lúc 7 giờ ngày 24-12”, tôi giật mình sửng sốt. Thế là thêm một người anh hùng về với đồng đội.
 |
Lần họp mặt sau, các cựu chiến binh Tiểu đoàn đặc công 89 Đà Nẵng sẽ không còn gặp lại người chỉ huy năm xưa (Đại tá Trần Kim Hùng đứng thứ ba từ trái sang).
|
Đối với người dân phường Vĩnh Trung (Thanh Khê, Đà Nẵng), không mấy ai quên câu nói: “Cán bộ về hưu, chứ đảng viên có hưu đâu” của Đại tá, Anh hùng LLVTND Trần Kim Hùng. Trong chiến tranh, ông là một cán bộ đặc công từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu năm 1959, chỉ huy nhiều trận đánh lừng danh như: Thiêu cháy kho xăng Liên Chiểu, san phẳng chi khu quận lỵ Hiệp Đức, phá hủy sân bay Nước Mặn…
Đất nước hòa bình, Đại tá Trần Kim Hùng về hưu, trở về với đời thường nhưng ông không “nghỉ” như Nhà nước cho phép. Ông đã không quản ngại tuổi cao sức yếu, tích cực tham gia các hoạt động xã hội của phường như: Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, phụ trách đài phát thanh, chủ tịch Hội Cựu chiến binh…Sự tín nhiệm của địa phương đối với ông được thể hiện qua tâm sự: “Tôi vừa nộp giấy giới thiệu sinh hoạt đảng hôm trước, hôm sau chuyển đồ về chỗ ở mới thì không may bị tai nạn phải vào bệnh viện. Không ngờ ở nhà, chi bộ mới tổ chức họp đột xuất và bầu tôi làm bí thư, chờ tôi ra viện để bàn giao”. Tuy nhiên, hoạt động của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Kim Hùng sau chiến tranh khiến không ít người xúc động là công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Nhận thức đây là công việc đòi hỏi tốn kém về tiền bạc, thời gian; anh em cựu chiến binh đa phần còn nghèo nên ông đã “nuôi heo” để lấy kinh phí đi tìm hài cốt liệt sĩ. Trong hơn 10 năm, kể từ năm 2000, Đại tá Trần Kim Hùng và các cựu chiến binh như: Nguyễn Đình Tham, Nguyễn Thanh Thủy.v.v. đã quy tập được trên 300 bộ hài cốt liệt sĩ. Ông ra đi, thân nhân liệt sĩ mất đi một địa chỉ tin cậy để tìm kiếm thông tin. Trước đó mấy ngày, ông còn trăn trở: “Mấy anh em quê miền Bắc đang nằm tại nghĩa trang liệt sĩ các quận, huyện trên địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng, tôi đã nhờ thông báo trên đài phát thanh, truyền hình, báo Quân đội nhân dân nhưng sao vẫn không thấy ai vào”. Bây giờ, chỉ sau một cơn bạo bệnh, mặc dù đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng hết lòng cứu chữa, nhưng ông đã ra đi ở tuổi 82.
Đà Nẵng mấy ngày mưa rả rích. Dẫu biết rằng lá vàng rụng về cội, sinh li tử biệt là quy luật tự nhiên, nhưng…vẫn tiếc. Còn nhiều thân nhân liệt sĩ từ các tỉnh miền Bắc đang chờ tin người thân, còn nhiều công trình lịch sử của địa phương…chờ ông cho ý kiến.
Bài, ảnh: Nguyễn Sỹ Long