Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, thanh niên miền Bắc nô nức lên đường tòng quân, trong số đó có nhiều sinh viên các trường đại học, như Tổng hợp Hà Nội, Cơ điện Bắc Thái…
 |
Những bức thư của người lính thời chiến gửi về hậu phương luôn chứa chan những tình cảm và niềm tin. Ảnh: K.A |
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, thanh niên miền Bắc nô nức lên đường tòng quân, trong số đó có nhiều sinh viên các trường đại học, như Tổng hợp Hà Nội, Cơ điện Bắc Thái…
Mới đây, tình cờ tôi gặp lại một người bạn từng là sinh viên xếp bút nghiên để ra trận ngày đó. Anh đã kể cho tôi nghe câu chuyện về một đồng đội chiến đấu của mình, đó là một người bình dị mà lãng mạn, đã mang cả tình yêu quê hương vào chiến trận trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1972, tại chiến trường Bình-Trị-Thiên khói lửa, người chiến sĩ ấy đã anh dũng hy sinh và đồng đội đã tìm thấy trong ba lô của anh bài hát: “Lá thư gửi mẹ”, nhạc và lời Nguyễn Hồng Quang. Bài hát có đoạn: Hơn ngàn giặc Mỹ chết tại làng Vây/ Ôi quê hương thân yêu tha thiết/ Vâng lời Bác/ Bão đã nổi lên rồi trên đất lửa quê hương/ Ôi vui sao lòng con thấy náo nức/ Viết lá thư này/ Con gửi cả niềm tin.
Cũng rất tình cờ, dịp kỷ niệm 32 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi lại được gặp Nguyễn Hồng Quang, chính là tác giả của ca khúc “Lá thư gửi mẹ”. Hỏi thăm mới biết, anh quê ở Triệu Sơn (Triệu Phong, Quảng Trị), năm 1954 theo gia đình tập kết ra miền Bắc và học tại trường học sinh miền Nam ở Hà Đông. Từ năm 1967 đến năm 1971, anh là sinh viên Trường đại học Cơ điện Bắc Thái. Năm 1968, nhận được tin quân và dân Quảng Trị anh hùng đánh giỏi, thắng to, Nguyễn Hồng Quang đã viết bài hát đó để bày tỏ tình cảm của mình với quê hương yêu quý. Sau đó bài hát đã đạt giải nhất Hội diễn văn nghệ quần chúng Trường đại học Cơ điện Bắc Thái lần thứ nhất năm 1986. Và ý nghĩa hơn, bài hát có trong hành trang của người ra trận.
Tôi thầm nghĩ, mang bên mình bài hát “Lá thư gửi mẹ” có lẽ người chiến sĩ ấy đã mang theo cả niềm tin vào trận, một trong những nhân tố quan trọng nhất chung đúc nên sức mạnh phi thường của người lính để chiến thắng kẻ thù, giành lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Vũ Thăng