QĐND - Trong khuôn khổ hợp tác ADMM+(1), Việt Nam thể hiện vai trò tích cực, đề xuất nhiều sáng kiến duy trì động lực hợp tác quốc phòng-an ninh giữa các nước ASEAN và các đối tác đối thoại. Với mong muốn, quyết tâm cùng các nước thành viên ASEAN mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các bên đối tác đối thoại, Việt Nam tổ chức thành công ADMM+ lần đầu tiên tại Hà Nội.
Hội nghị thống nhất triển khai hoạt động 5 nhóm chuyên gia trên 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác là: An ninh biển, Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, Quân y, Chống khủng bố, Gìn giữ hòa bình.
 |
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tại Diễn đàn đối thoại Sangri-La ở Xin-ga-po, tháng 6-2013. Ảnh: Yên Ba
|
Ngoài ra, tại ADMM+ lần thứ 2 (năm 2013), Việt Nam tiếp tục đề xuất lĩnh vực hợp tác mới trong ADMM+ là Khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và các cuộc xung đột trong khu vực, gọi tắt là Hành động mìn nhân đạo, lĩnh vực hợp tác thứ 6 trong khuôn khổ ADMM+. Theo đó, năm 2014, Việt Nam đã phối hợp với Ấn Độ tổ chức thành công hai hội nghị chuyên gia ADMM+ về lĩnh vực hợp tác trên.
Việt Nam kiên trì giữ vững tính chất và nguyên tắc duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN, nhất trí ARF(2) là một quá trình tiệm tiến với bước đi phù hợp, trong đó xây dựng lòng tin là trọng tâm xuyên suốt. Tham gia ARF ngay từ những ngày đầu mới thành lập, với tư cách là một trong những nước thành viên đầu tiên, Việt Nam tham gia đầy đủ các hoạt động ARF trên tất cả các kênh. Trên tinh thần giữ vững nguyên tắc duy trì vai trò chủ đạo của ASEAN, Việt Nam đã hoàn thành tốt 2 nhiệm kỳ Chủ tịch ARF vào năm 2000-2001 và năm 2009-2010.
Thông qua ARF, Việt Nam chia sẻ quan điểm, chủ trương và chính sách quốc phòng, cũng như những kinh nghiệm của Việt Nam trong đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, hay quan điểm và cách thức giải quyết tranh chấp một cách hòa bình của Việt Nam ở Biển Đông, góp phần duy trì môi trường hòa bình ổn định khu vực và quốc tế.
Việt Nam mong muốn đến với Đối thoại Shangri-La(3), gửi đi thông điệp tới bạn bè quốc tế về khát vọng cũng như trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định của khu vực và quốc tế. Với các tham luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Phùng Quang Thanh và của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh về “Chung tay xây dựng lòng tin chiến lược”(4); về “Thúc đẩy Ngoại giao Quốc phòng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương”(5), “Cấu trúc an ninh khu vực đang định hình”(6) hay “Ngăn ngừa và quản lý xung đột”(7)..., Việt Nam gửi đi thông điệp về sự cần thiết phải có lòng tin chiến lược trong quan hệ quốc tế, cũng như thiện chí mong muốn ngăn ngừa và giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình.
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) đánh dấu sự hội nhập quốc tế về quốc phòng của Việt Nam ở cấp độ toàn cầu. Là thành viên chính thức của Liên hợp quốc từ tháng 9-1977, cho đến nay, Việt Nam đã nỗ lực đồng hành cùng các quốc gia thành viên, đóng góp quan trọng vào việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế. Biểu hiện sinh động là những bước đi chủ động của Việt Nam tham gia vào các hoạt động GGHB LHQ. Ngay từ năm 2005, Việt Nam đã xem xét vấn đề này và từng bước tiến hành các công tác chuẩn bị. Tháng 9-2007, phát biểu trước Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam đang hoàn tất quá trình chuẩn bị liên quan đến việc tham gia một cách hiệu quả vào các hoạt động GGHB LHQ, phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam”.
Sau nhiều năm chuẩn bị, ngày 31-5-2013, tại Đối thoại Shangri-La 12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo trước cộng đồng quốc tế về việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động GGHB LHQ, trước mắt là lĩnh vực công binh, quân y và quan sát viên quân sự. Triển khai quyết định trên, ngày 27-5-2014, Việt Nam thành lập Trung tâm GGHB để nâng cao chất lượng điều hành và huấn luyện nhân sự, đáp ứng cao nhất các yêu cầu tham gia hoạt động GGHB LHQ và cử hai sĩ quan tham gia phái bộ của LHQ tại Nam Xu-đăng.
Dự kiến, trong năm 2015, Việt Nam sẽ cử sĩ quan liên lạc tham gia các phái bộ khác của LHQ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang triển khai kế hoạch thành lập một đội công binh và một bệnh viện dã chiến cấp hai, tham gia hoạt động GGHB tại một phái bộ của LHQ. Sự kiện trên đánh dấu quá trình HNQT về quốc phòng của Việt Nam ở cấp độ toàn cầu, thể hiện tinh thần tích cực chủ động HNQT về quốc phòng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, nâng cao uy tín của đất nước và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.
Từ “tham gia tích cực” sang “chủ động xây dựng luật chơi chung”
Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp. Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á tuy sẽ phát triển năng động song cũng tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định; cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn tiếp tục diễn ra; năm 2015, Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành; các cơ chế, diễn đàn an ninh đa phương khu vực, quốc tế mới sẽ ngày càng gia tăng, đồng thời, các cơ chế hợp tác quốc phòng-an ninh đa phương khu vực dựa trên nền tảng của các cơ chế sẵn có như ADMM, ADMM+, ARF… sẽ phát triển theo hướng mở rộng cả về nội dung, hình thức và quy mô.
Trong quỹ đạo này, Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn vào khu vực và thế giới, các vấn đề liên quan tới quốc phòng-an ninh của Việt Nam ngày càng có liên kết chặt chẽ với các vấn đề quốc phòng, an ninh của khu vực. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ: “Đây là thời điểm chúng ta cần và hoàn toàn có đủ điều kiện để chuyển mạnh từ tư duy "tham gia tích cực" sang chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”(8).
Quán triệt sâu sắc định hướng trên, trong tiến trình HNQT về quốc phòng giai đoạn mới, Việt Nam tiếp tục triển khai nhiệm vụ HNQT và đối ngoại về quốc phòng theo đúng tinh thần Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về HNQT và đặc biệt là Nghị quyết số 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về HNQT và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Thường xuyên bổ sung, hoàn thiện và điều chỉnh định hướng, đối sách với các nước lớn trong hợp tác quân sự-quốc phòng nhằm tạo cho đất nước nhiều không gian lựa chọn, cân bằng các mối quan hệ, tăng cường vị thế, bảo vệ lợi ích quốc gia.
Tiếp tục đẩy mạnh mặt trận ngoại giao quốc phòng trên cả hai phương diện, song phương và đa phương; xây dựng năng lực tham gia có hiệu quả các cơ chế hợp tác khu vực, thế giới. Đồng thời, xử lý các vấn đề khác biệt, tranh chấp trên cơ sở gắn lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, gắn hòa bình của Việt Nam với hòa bình của khu vực và quốc tế.
Chủ động tham gia và đóng góp sáng kiến, định hình luật chơi chung cho các cơ chế hợp tác quốc phòng của ASEAN và do ASEAN giữ vai trò chủ đạo, đồng thời từng bước tham gia các hoạt động GGHB LHQ.
Có những đánh giá tổng kết về hợp tác quốc phòng-an ninh đa phương giai đoạn 2010-2015 và định hướng chiến lược cho các hoạt động đối ngoại quốc phòng-an ninh đa phương từ nay đến 2020 và những năm tiếp theo.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị làm công tác HNQT và đối ngoại quốc phòng, đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền chủ trương HNQT về quốc phòng, chính sách quốc phòng vì hòa bình, tự vệ của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
*
* *
Chúng ta đều biết, sức mạnh quốc phòng của một đất nước không chỉ là lĩnh vực quân sự, là lực lượng vũ trang ba thứ quân với những vũ khí trang bị ngày càng hiện đại, mà là sức mạnh tổng hợp về mọi mặt của đất nước, sức mạnh đoàn kết quốc tế, sức mạnh của thời đại. Nhận thức đúng tinh thần ấy, HNQT về quốc phòng trong thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy và tăng cường khả năng, tiềm lực quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp CNH, HĐH, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần xây dựng môi trường hòa bình, ổn định và phát triển khu vực và trên thế giới.
Thiếu tướng VŨ TIẾN TRỌNG
Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng
(Tiếp theo và hết)
Kỳ 1
(1) ADMM+ là cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức giữa ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lân.
(2) Diễn đàn ARF ra đời ngày 25-7-1994 tại Băng Cốc (Thái Lan), là diễn đàn chính trị-an ninh lớn nhất trong khu vực do kênh ngoại giao chủ trì. Hiện nay, trong khuôn khổ ARF, có 4 cuộc họp Đối thoại quan chức quốc phòng ARF (ARF DoD) riêng rẽ bên lề các cuộc họp và Hội nghị ARF. Bên cạnh đó, từ cuối năm 2004, Hội nghị Chính sách An ninh khu vực ARF cấp Thứ trưởng quốc phòng đã chính thức ra đời và tổ chức thường niên. Đây được coi là cuộc họp cấp cao nhất của giới quân sự trong khuôn khổ ARF. Ngoài ra còn có Hội nghị Những người đứng đầu các Học viện/Trường Đại học/Viện nghiên cứu Quốc phòng ARF (ARF-HDUCIM) cũng được tổ chức thường niên.
(3) Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Luân Đôn (IISS) đứng ra tổ chức nhằm đối phó với những thách thức sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đây là hội nghị liên quan đến quốc phòng, an ninh cao cấp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tham dự hầu hết là Bộ trưởng Quốc phòng, quan chức chính trị, ngoại giao của các nước trong khu vực, Đối thoại Shangri-La lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2002 do Văn phòng đại diện của IISS ở Xin-ga-po phối hợp với BQP Xin-ga-po tổ chức, diễn ra hằng năm.
(4) Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Shangri-La 12 năm 2013.
(5) Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam phát biểu tại Shangri-La 8 năm 2009.
(6) Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam phát biểu tại Shangri-La 9 năm 2010.
(7) Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam phát biểu tại Shangri-La 13 năm 2014.
(8) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Đối ngoại đa phương thế kỷ 21 và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam (12-8-2014), www.Chinhphu.vn/cac-bai-phat-bieu-cua-Thu-tuong.