QĐND Online - 8 giờ sáng 1-10, Lễ khai mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội sẽ chính thức diễn ra tại vườn hoa Lý Thái Tổ và xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm-trung tâm văn hóa, mảnh đất thiêng của Hà Nội và cả nước. Hồn thiêng sông núi sẽ hội tụ nơi mảnh đất ngàn năm văn hiến. Liên tục đến ngày 10-10, hàng loạt các sự kiện văn hóa, xã hội sẽ diễn ra tại Thủ đô. Trong 10 ngày diễn ra Đại lễ, báo QĐND Online sẽ cố gắng bám sát các sự kiện để kịp thời thông tin đến với bạn đọc. Đồng thời các hoạt động hướng về Đại lễ, những việc làm chung tay góp sức xây dựng Thủ đô của đồng bào cả nước cũng sẽ được báo QĐND phản ánh kịp thời. Xin trân trọng ngỏ lời cùng bạn đọc. 

Nhân thời khắc quan trọng này, báo QĐND Online xin mở đầu các hoạt động tường thuật sự kiện bằng giới thiệu Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn.

Chiếu dời đô bản chữ Hán:

 

Bản phiên âm Hán-Việt:

Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên, Chu thất đãi Thành Vương tam tỉ. Khởi Tam Đại chi sổ quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cẩu hữu tiện triếp cải. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ. Nhi Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, trí thế đại phất trường, toán số đoản xúc, bách tính hao tổn, vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ.

Huống Cao Vương cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hướng bối chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khốn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô.

Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà?

Chiếu dời đô được dựng trên đường Bắc Sơn - Hà Nội. Ảnh: Thu Hà

Bản dịch tiếng Việt:

Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.

Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.

Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh  nghĩ thế nào?

(Bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993) - Trích nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia; (Đối chiếu với lần tái bản 2004).

* Tóm tắt các sự kiện nổi bật 10 ngày Đại lễ

Máu hồng của triệu triệu con dân Đất Việt sẽ hòa nhịp trái tim, dõi theo các sự kiện. Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra trong 10 ngày (từ 1-10 đến 10-10) với hơn 50 hoạt động tiêu biểu, nổi bật về văn hóa, lễ hội đặc sắc cùng một chương trình kỷ niệm hoành tráng, trang trọng, xứng tầm sự kiện trọng đại và đậm chất anh hùng ca thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc Việt Nam. QĐND Online tóm tắt các hoạt động chính trong 10 ngày Đại lễ.

Lễ khai mạc được bắt đầu bằng một chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc. Theo Đại tá Đặng Văn Hùng, NSƯT, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội, mở đầu buổi lễ, tại sân khấu chính khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ, dàn trống và cồng chiêng tấu bản nhạc lễ . Sau đó là lễ dâng hương và chào cờ. Ngày vui đầu tiên tiếp tục với sự kiện Hà Nội đón Bằng công nhận Di sản văn hóa Thế giới khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.

5 sân khấu xung quanh hồ Hoàn Kiếm là nơi diễn ra các hoạt động biểu diễn. Buổi chiều, tại Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam có triển lãm các các tác phẩm Văn học-Nghệ thuật qua các thời kỳ. Tại vườn hoa Giám có triển lãm ảnh nghệ thuật. Buổi tối, Trung tâm chiếu phim Quốc gia bắt đầu tuần lễ phim lịch sử; Tại Trung tâm Hội trợ Triển lãm Việt Nam (Giảng Võ) khai mạc triển lãm thành tựu kinh tế, xã hội Việt Nam. Lúc 20 giờ, khu vực hồ Hoàn Kiếm tiếp tục có Đêm nghệ thuật Hồ Gươm và trình diễn áo dài truyền thống… Liên tục trong 9 ngày tiếp theo đều có các chương trình hết sức đặc biệt phục vụ người dân Thủ đô cùng du khách trong và ngoài nước (mời xem lịch chi tiết trên QĐND Online) . Ba chương trình quan trọng nhất trong dịp 10 ngày trọng đại nói trên là Lễ khai mạc Đại lễ; Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành  và Đêm hội văn hóa - nghệ thuật.

Các chương trình đáng chú ý khác là: Liên hoan nghệ thuật Quốc tế với sự tham gia của 29 đoàn nghệ thuật của Thủ đô một số nước và một số thành phố 1.000 năm tuổi trên thế giới; Màn trình diễn của dàn nhạc giao hưởng quốc tế và quốc gia; Liên hoan ẩm thực Hà thành; Trình diễn áo dài truyền thống; Hội thả diều ba miền đất nước; Lễ hội đường phố và chương trình văn hóa nghệ thuật của tuổi trẻ Thủ đô...

Đặc biệt, Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành sẽ được tổ chức vào sáng 10-10, tại Quảng trường Ba Đình-Hà Nội với sự tham gia của khoảng 30.000 người, gồm khoảng 10.000 người tham gia diễu binh, diễu hành và 20.000 người xếp thành các khối ở sân Quảng trường Ba Đình. Mở đầu buổi diễu binh, diễu hành là 10 chiếc trực thăng bay theo đội hình hàng dọc, theo đường Hùng Vương từ hướng sông Hồng vào Hà Đông. Máy bay sẽ mang  theo cờ Đảng, cờ Tổ quốc, dải lụa đỏ ghi dòng chữ “1000 năm Thăng Long-Hà Nội”. Trong lúc cử Quốc thiều, tất cả mọi người hát Quốc ca, đồng thời bắn 21 loạt đại bác tại Sân vận động Cột Cờ Hà Nội.

Đội hình diễu binh gồm 3 phần: Thứ nhất là khối nghi tượng (xe mô hình quốc huy, khối 200 vận động viên thể dục, thể thao mặc đồng phục mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc; xe rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 120 thiếu nhi tay cầm hoa sen đi hai bên). Thứ hai là 14 khối diễu binh gồm tổ quân kỳ, khối quân nhạc, khối sĩ quan lục quân, phòng không-không quân, hải quân, biên phòng, chiến sĩ bộ binh… Thứ ba là 4 khối gồm xe rước ảnh Bác Hồ, xe rước biểu trưng của Thủ đô Hà Nội, xe rước rồng thời Lý, xe chở 100 trống hội Thăng Long.

Lực lượng diễu hành có 15 khối gồm khối Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; khối Cựu chiến binh, khối Công nhân, khối Nông dân, khối Trí thức, khối Doanh nhân, khối Thanh niên, khối Phụ nữ…

Sau khi diễu binh, diễu hành qua khu vực Ba Đình, đội hình chia thành 2 hướng: Một hướng rẽ trái đi thẳng đường Tràng Thi, qua Tràng Tiền và kết thúc tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám. Một hướng rẽ phải đi về đường Kim Mã, kết thúc ở đường Ngọc Khánh.

Để phục vụ người dân theo dõi truyền hình trực tiếp mít tinh, diễu binh, diễu hành, một số màn hình LED lớn sẽ được lắp đặt ở những địa điểm rộng rãi.

Chương trình Đêm hội văn hóa, nghệ thuật chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được tổ chức tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình-Từ Liêm-Hà Nội tối 10-10, dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian 100 phút, kết thúc là những chùm pháo hoa nghệ thuật kéo dài từ 20 đến 30 phút tại một số điểm trên địa bàn Thủ đô. Chương trình là sự kết hợp tinh tế của các yếu tố nghệ thuật như: Điện ảnh, sân khấu và nghệ thuật sắp đặt. Nghệ sĩ ưu tú Trọng Đài là tổng đạo diễn chương trình này.

QĐND Online (tổng hợp)