Theo TTXVN, tối 8-12 (giờ Washington), với 212 phiếu ủng hộ, 184 phiếu chống và 37 người không bỏ phiếu, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cả gói mang mã số H.R.6406 dài 259 trang, trong đó có dự luật thiết lập Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam.

Như vậy, sau nhiều ngày vướng mắc do bị lồng ghép vào một gói các dự luật thương mại về thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường tính cạnh tranh của Mỹ, trong đó có cả những vấn đề gây tranh cãi, dự luật PNTR với Việt Nam đã được Hạ viện Mỹ thông qua.

Dự luật về PNTR với Việt Nam gồm 7 nội dung lớn: hủy bỏ áp dụng đạo luật năm 1974 (Jackson-Vanik ) đối với Việt Nam, quy định trình tự thủ tục để xác định các khoản trợ cấp không được phép, quy định trách nhiệm tham vấn giữa hai nước liên quan tới vấn đề trợ cấp, quy định sự tham gia và tham vấn của các bên liên đới trong các vụ điều tra về các trợ cấp không được phép, quy định về công tác trọng tài và áp đặt hạn ngạch đối với những mặt hàng dệt may bị xác định có nhận các khoản các trợ cấp không được phép. Phần cuối cùng của dự luật PNTR với Việt Nam nói về các khái niệm và định nghĩa của những thuật ngữ được sử dụng trong văn bản dự luật này.

Theo kế hoạch, đêm 8-12 hoặc sáng 9-12, Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về văn bản dự luật về PNTR với Việt Nam mà Hạ viện đã thông qua.

Dư luận chung cho rằng việc thông qua PNTR, thiết lập mối quan hệ thương mại bình đẳng và cùng có lợi giữa hai nước, là một cột mốc mới trong tiến trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ kéo dài hơn 10 năm qua giữa Mỹ với Việt Nam.

Phát biểu sau cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, Đại diện Thương mại Mỹ Susan Schwab cho biết bà rất hài lòng trước việc Hạ viện thông qua dự luật về PNTR với Việt Nam. Bà nhấn mạnh nếu cũng được Thượng viện Mỹ thông qua, dự luật này "sẽ cho phép hàng hoá của Mỹ tiếp cận thị trường Việt Nam hiện đang phát triển rất nhanh chóng và sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước".

Phó Chủ tịch chấp hành Phòng Thương mại Mỹ Bruce Josten coi việc thông qua gói các dự luật thương mại, trong đó có dự luật về PNTR với Việt Nam, như một "món quà sớm của ông già Noel" dành cho các công ty, người lao động và tiêu dùng ở Mỹ, những người sẽ được hưởng lợi qua việc thúc đẩy thương mại này.