Đại kế hoạch
Tháng 9-2013, trong chuyến công du đến nước Cộng hòa Trung Á Ca-dắc-xtan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đưa ra ý tưởng xây dựng “Con đường tơ lụa trên đất liền”, chạy từ Trung Quốc qua Trung Á, Nga rồi tới châu Âu, vươn xa đến Địa Trung Hải.
Một tháng sau đó, Chủ tịch Tập Cận Bình, trong chuyến thăm In-đô-nê-xi-a, tiếp tục triển khai ý tưởng về “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, từ phía nam Trung Quốc kéo xuống eo biển Malacca, qua Ấn Độ Dương, vươn tới bờ biển Trung Đông và vùng Đông Phi.
Như vậy là Trung Quốc đã giới thiệu với thế giới “sáng kiến” mang tên “Vành đai” (tức Con đường tơ lụa trên đất liền) và “Con đường” (Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21). Đó là một vòng cung kinh tế khổng lồ. Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc hình thành vòng cung kinh tế-thương mại này, với Trung Quốc là nhân tố chủ chốt, từ việc đưa ra ý tưởng, cho đến kêu gọi các đối tác tham gia xây dựng, sẽ hình thành nên một “con đường-vành đai” cực lớn, chiếm khoảng 50% sản lượng kinh tế, 70% tài nguyên, 75% dân số thế giới.
Nếu hình thành, sẽ có hơn 60 quốc gia liên quan đến “con đường-vành đai” khổng lồ này mà truyền thông Trung Quốc gọi là “Vành đai và Con đường”.
Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” do phía Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh trong hai ngày 14 và 15-5 là bước đầu tiên để hiện thực hóa kế hoạch nhiều tham vọng đó.
Thiện chí của Việt Nam
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường” sau khi kết thúc thành công các hoạt động song phương trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc.
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường" . Ảnh: Văn Yên.
Sáng 15-5, cùng với các nhà lãnh đạo quốc tế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tới Cung hội nghị Quốc tế hồ Nhạn Thê cách Bắc Kinh chừng 70km để tham dự các phiên họp bàn tròn của Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường”. Đây là một quần thể kiến trúc tuyệt đẹp nằm xen lẫn giữa vùng cây xanh và hồ nước tự nhiên, nơi nước chủ nhà Trung Quốc thường tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, trong đó có Hội nghị cấp cao APEC dịp cuối năm 2014, nơi Trung Quốc lần đầu tiên giới thiệu với toàn thế giới về sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc, kể từ năm 2013, các khoản đầu tư của nước này liên quan đến sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã đạt 60 tỷ USD và phần lớn các khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc trong tương lai sẽ có điểm đến là những nước tham gia dự án này. Trung Quốc cho biết khi hoàn thành, sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ tạo thành mạng lưới kinh tế thương mại lớn với tiềm lực phát triển bao trùm khu vực rộng lớn với dân số 4,4 tỷ người, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 21.000 tỷ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu) và có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2.500 tỷ USD trong vòng một thập kỷ cũng như liên kết với các thị trường đang nổi có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.
Các nhà lãnh đạo quốc tế lần lượt tiến vào Cung hội nghị. Người đầu tiên là Tổng thư ký Liên hợp quốc A.Gu-tê-rết (Antonio Guterres). Tiếp đó là các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen, Thủ tướng Hung-ga-ri V.Ơ-ban (Viktor Orban), Thủ tướng Hy Lạp A.Xi-prát (Alexis Tsipras), Thủ tướng Pa-ki-xtan N.Sa-ríp (Nawar Sharif), Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Đ.Lơ-tha (Doris Leuthard), Tổng thống Phi-líp-pin Đu-téc-tê (Duterte), Thủ tướng Ma-lai-xi-a N.Ra-dắc (Narif Razak), Thủ tướng Tây Ban Nha M.Ra-doi (Mariano Rajoy), nhà lãnh đạo Mi-an-ma Aung San Suu Kyi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Éc-đô-gan (Recep Erdogan)...
Khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiến vào, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tươi cười bắt tay và nói lời chào mừng. Người cuối cùng vào Cung hội nghị là Tổng thống Nga V.Pu-tin.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin cùng trưởng đoàn các nước tham dự diễn đàn. Ảnh: TTXVN.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham gia Diễn đàn hợp tác cấp cao “Vành đai và Con đường” thể hiện thiện chí đối với sáng kiến và nỗ lực nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế, kết nối khu vực, trong đó có việc Trung Quốc tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”. Phát biểu tại diễn đàn sáng 15-5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã khẳng định Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến liên kết kinh tế, kết nối khu vực nói chung, sáng kiến “Vành đai và Con đường” nói riêng, và sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các dự án đem lại lợi ích chung, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững.
Cơ hội hợp tác trong khuôn khổ đa phương
Diễn đàn “Vành đai và Con đường” diễn ra ở Bắc Kinh trong hai ngày 14 và 15-5 đã thu hút sự quan tâm chú ý của thế giới. Tổng cộng có khoảng 1.500 khách quốc tế từ hơn 130 quốc gia đã cử đại diện tham gia diễn đàn. Hơn 4.000 phóng viên quốc tế đã tham gia đưa tin về sự kiện này. Đây là một trong vô số các bước chuẩn bị kỹ càng không chỉ về cơ sở kinh tế, thương mại mà cả văn hóa, xã hội nhằm hỗ trợ cho dự án “Vành đai và Con đường” được hanh thông, thuận lợi. Diễn đàn hợp tác cấp cao “Vành đai và Con đường” mới là bước đầu tiên.
Là một dự án mang tầm vóc quốc tế, “Vành đai và con đường” sẽ không thể hình thành nếu không có sự tham gia, hỗ trợ, hợp tác của các nước dọc theo “Vành đai và Con đường”, trong đó đặc biệt quan trọng là các nước Đông Nam Á trong ASEAN.
Tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác “Vành đai và Con đường”, nước chủ nhà Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để giới thiệu với thế giới hình ảnh một nước Trung Hoa muốn chia sẻ lợi ích với các nước. Trong những ngày diễn đàn, hầu như trên mọi cột đèn, tường cầu vượt ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh đều treo dày đặc các tấm băng rôn, biểu ngữ với khẩu hiệu: “Hợp tác Vành đai và Con đường, cùng nhau chia sẻ sự thịnh vượng”.
Để đạt được mục tiêu đó, sự hợp tác phải trên cơ sở các bên cùng có lợi, bảo đảm tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực. Thực hiện dự án “Vành đai và Con đường” thể hiện khát vọng của người dân Trung Quốc, đồng thời cũng là trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước ASEAN. Đúng như Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh tại Cung hội nghị quốc tế hồ Nhạn Thê, hợp tác trong khuôn khổ "Vành đai và Con đường" cần phát triển bền vững dựa trên nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, tự nguyện, minh bạch, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Như vậy, “Vành đai và Con đường” mới trở thành con đường mang lại sự thịnh vượng cho tất cả các bên.
Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” là cơ hội để tăng cường hợp tác với các nước trong khuôn khổ đa phương, thúc đẩy, tăng cường kết nối liên lục địa. Chuyến tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nằm trong ý nghĩa ấy.
YÊN BA (từ Bắc Kinh, Trung Quốc)