Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, dù có tới 69 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam, nhưng tất cả đều chưa thống nhất về khái niệm và nội hàm dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân, chỉ có Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17-4-2024 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân đưa ra định nghĩa về 2 nội dung này.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là văn bản nghị định, chưa phải văn bản luật, nên cần thống nhất thực hiện trong thực tiễn, cần có văn bản luật làm “luật gốc”, mang tính nguyên tắc, góp phần tiếp tục thể chế hóa quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người.
 |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Việc xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 7 chương, 69 điều; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, dữ liệu cá nhân có vai trò đặc biệt quan trọng, là nguồn dữ liệu chiến lược, tác động trực tiếp, toàn diện đến chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của một quốc gia. Tuy nhiên, công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời gian qua vẫn còn buông lỏng, để xảy ra các hoạt động thu thập, tấn công, chiếm đoạt, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân.
Do đó, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu bảo vệ dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm giá trị pháp lý cho việc tổ chức thực hiện thống nhất.
 |
Quang cảnh phiên họp. |
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu thống nhất sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, quan điểm chỉ đạo của Đảng về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tạo đà thực hiện kỷ nguyên chuyển mình của dân tộc Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, cơ quan soạn thảo cần rà soát, rút gọn hơn nữa dự thảo luật, tập trung vào những nội dung thuộc đúng thẩm quyền của Quốc hội; tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm triệt để thủ tục hành chính, nhằm giảm chi phí và tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, hồ sơ dự án luật đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ chín.
Để hoàn thiện dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các vấn đề thực tiễn phát sinh; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, nhằm khắc phục tình trạng lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay; nêu rõ những hạn chế, bất cập của luật hiện hành nhằm hoàn thiện dự thảo luật.
VŨ DUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.