Nhân dịp đón Xuân mới Giáp Ngọ 2014, Sự kiện và nhân chứng ra mắt bạn đọc số báo đặc biệt với những bài viết độc đáo, mang đậm bản sắc của một ấn phẩm đang được bạn đọc yêu mến.
Kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930/3-2-2014), tác giả Văn Hiền tái hiện hình ảnh nữ đảng viên Nguyễn Thị Nhuận, người từng mang những gánh hoa xuân giấu kỹ nhiều tờ báo cùng luận cương, sách lược tranh đấu và truyền đơn kêu gọi quần chúng “Đứng lên thân cỏ, thân rơm/ Búa-Liềm không sợ súng gươm bạo tàn…”. Độc giả có dịp suy ngẫm những điều lớn lao, sâu xa từ những vần thơ chúc Tết giản dị của Bác Hồ trong “Bác Hồ gọi, là mùa xuân đến” (Nhà thơ Vương Trọng); cùng tác giả Trọng Đông ngược dòng thời gian về hang chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Nội), nơi Bác Hồ đọc thơ chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước qua sóng phát thanh vào đêm 30 Tết Đinh Hợi (1947).
 |
Ông Nguyễn Quốc Triệu-Trưởng ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương-chia sẻ với bạn đọc những câu chuyện ít người biết trong hơn 4 năm làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua hồi ức "Nhớ ngày Đại tướng ra đi..." (Bích Trang). Giáo sư Sử học Lê Văn Lan giúp bạn đọc tìm lời đáp cho câu hỏi “Vì sao Quang Trung đánh trận Ngọc Hồi chậm một ngày?” nhân kỷ niệm 225 năm đại thắng Xuân Kỷ Dậu 1789.
Đề cập tới văn hóa Tết, GS, TSKH Phan Đăng Nhật (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa-Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nói về những thay đổi, bất biến của Tết cổ truyền và khẳng định: “Tết Việt trường tồn” (Trịnh Dũng thực hiện). Nhà báo Hữu Thọ cũng nói tới một khía cạnh cụ thể của văn hóa Tết, đó là “Những chiếc phong bì tình nghĩa, tri ân” (Song Thanh ghi). Ông cũng chỉ ra những hình thức trá hình của “phong bì tri ân” mà chúng ta cần phải quyết liệt ngăn chặn, để những chiếc phong bì đẹp đẽ ấy không bị dùng vào việc “chạy chọt”…
Ấn phẩm Sự kiện và nhân chứng Tết Giáp Ngọ còn khắc họa những nhân vật có số phận độc đáo thông qua những câu chuyện lần đầu được tiết lộ. Đó là nhân chứng từng tham gia chỉ huy cuộc vượt ngục tại nhà tù Côn Đảo ngày 12-12-1952, trong “Người ba lần... vào Đảng” (Hoàng Tiến); “Điệp viên hoàn hảo" Phạm Xuân Ẩn qua ký ức ông Mười Hương (do Phạm Xuân Trường ghi) cùng lời đáp cho câu hỏi: Vì sao sau năm 1975, Quân ủy Trung ương quyết định không để Phạm Xuân Ẩn tiếp tục tới Mỹ hoạt động, cho dù vợ, con ông đã được thu xếp sang Mỹ từ trước đó… Độc giả còn được biết tới những câu chuyện đặc sắc gắn với tên tuổi của các danh tướng và nhân vật nổi tiếng như: “Đám cưới đặc biệt của Tướng Trà” (Quỳnh Nga), “Đời thường của Đại tướng Văn Tiến Dũng” (Bùi Vũ Minh) “Tướng Lê Nam Phong và bài thơ ngẫu hứng” (Hoàng Thành), “Chú bé “lạ” trong bức ảnh quý” (Hồ Sỹ Hậu), “Diệt trực thăng bằng lựu đạn” (Duy Thành), “Cô bé chăn trâu trở thành anh hùng” (Hồng Vân),…
Sự kiện và nhân chứng mang đến những dòng hồi ức gợi nhớ Tết chiến trường, Tết trên đất bạn và những câu chuyện thắm tình đồng đội, tình quân dân, tình yêu đôi lứa… thông qua các bài viết: "Xuân Mậu Thân rực lửa" (Văn Chu), “Chuyến hàng Tết nặng tình dân” (Mai Mộng Tưởng), “Chiến công đêm Giao thừa” (Lê Hải Triều), “Suýt mất Tết vì tiếc “của bỏ đi” (Nguyễn Việt Hòa), “Tết ngựa, ăn bánh chưng... ngựa” (Phạm Xưởng), “Làm thiệp mừng Xuân ở chiến trường” (Trần Đương), “Giáp mặt tướng ngụy trong “mùa xuân đầu tiên” (Quang Huy), “Hạnh ơi!” (Trần Công Tấn), “Tấm lòng cô Chính” (Phan Tiến Dũng).
Mảng Văn học-nghệ thuật có các ghi chép: “Cảm hứng trong tranh Nguyễn Phan Chánh” (Nhà văn Nguyệt Tú), “Chùa Trường Sa có hai viên gạch đổi màu” (Thanh Kim Tùng), “Xuân về trên đường Hạnh Phúc” (Trịnh Văn Dũng). Sự kiện và nhân chứng còn có thơ, câu đối, tranh, ảnh, minh họa và tư liệu của các tác giả: Anh Ngọc, Mai Nam Thắng, Nguyễn Hữu Quý, Trương Nguyên Tuệ, Phan Tùng Sơn, Nguyễn Đình Xuân, Hồng Lê, Đỗ Thượng Thế, Lê Nam Ích, Nguyễn Văn Long, Hoàng Xuyến, Bùi Khắc Khuyên, Lê Hòa, Lê Đỗ Huy, Nguyễn Văn Hiếu, Minh Trường, Quang Cường, Thái Hòa…
Sự kiện và Nhân chứng Tết Giáp Ngọ dày 68 trang, in 4 màu trên giấy tốt, giá 27.000 đồng, phát hành ngày 10-1-2014 trên toàn quốc.
Bạn đọc cần đặt mua xin liên hệ: Phòng Phát hành-Quảng cáo, Báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội.
Điện thoại: (04)3.7473757; 069.554287.