Để hỗ trợ cho người cao tuổi không có lương hưu, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi theo quy định hiện hành, xuống còn 75 tuổi. 

Theo đó, công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau đây: Đủ 75 tuổi trở lên; không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo quy định của Chính phủ và có đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Ngoài các điều kiện trên, riêng người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, thì có thể được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi.

 

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự phiên họp. 

Góp ý vào đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội của dự thảo luật, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nêu rõ: Hiện nay quy định trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang xác định đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là đủ 75 tuổi trở lên nếu không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp xã hội hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ. Mức hưởng gồm trợ cấp hằng tháng, bảo hiểm y tế và trợ cấp mai táng. 

Đại biểu khẳng định, quy định trên tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi là bước tiến trong bảo vệ, hỗ trợ cho người cao tuổi không có lương hưu. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn cho rằng, cũng cần xét đến mức hưởng có lợi nhất cho chủ thể để đủ điều kiện áp dụng và cân đối chi phí từ ngân sách nhà nước.

“Thông tin về tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay cũng cần xét đến. Theo Tổng cục Dân số, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi. Dự thảo đã có bước tiến khi xác định độ tuổi hưởng mức trợ cấp này thấp hơn mức quy định của Luật Người cao tuổi năm 2009”, đại biểu phân tích và đề nghị nên chăng lấy mức tuổi thọ trung bình của người Việt Nam làm căn cứ.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông: Độ tuổi nhận trợ cấp hưu trí nên bằng hoặc thấp hơn tuổi thọ trung bình.

Chung quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cũng bày tỏ băn khoăn về đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp xã hội.

Theo đại biểu, độ tuổi này là cao so với độ tuổi trung bình của dân số nước ta hiện nay.

"Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, độ tuổi trung bình của dân số nước ta là 73,7 tuổi; năm 2022 là 73,6 tuổi", đại biểu dẫn chứng và đề nghị tính toán hạ độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội xuống bằng hoặc thấp hơn độ tuổi trung bình của dân số nước ta hiện nay, để chính sách này thực sự mang lại ý nghĩa trong thực tiễn.

Đại biểu Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) thì đánh giá, so với quy định tại Luật Người cao tuổi, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội có tính ưu việt hơn khi giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và giảm xuống 70 tuổi đối với những người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

leftcenterrightdel

Đại biểu Thái Thị An Chung: Nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp giảm độ tuổi trợ cấp xuống 70 tuổi đối với những người đã tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Tuy nhiên, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp giảm độ tuổi xuống 70 tuổi đối với những người đã tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; mà những trường hợp này chưa được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo Luật Bảo hiểm xã hội, cũng như chưa được hưởng trợ cấp, phụ cấp của người có công hằng tháng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công.

"Việc bổ sung đối tượng này nhằm thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" và sự tiếp nối tri ân đối với những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã đóng góp sức lực, tuổi trẻ để mang lại hòa bình và độc lập cho dân tộc. Đồng thời, việc bổ sung đối tượng này cũng góp phần mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội như mục tiêu dự thảo luật đã đề ra", đại biểu Thái Thị An Chung nêu quan điểm. 

THẢO PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.