Ngày 24-10, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 và dự thảo nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, một phương thức tố tụng mới được áp dụng trên nền tảng công nghệ số.
Đa số các đại biểu Quốc hội đánh giá việc Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến là yêu cầu cấp thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong phòng, chống dịch bệnh và thực hiện xã hội số tòa án điện tử, hội nhập quốc tế.
 |
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 24-10. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Theo đại biểu Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định, nhiều hồ sơ bị tồn đọng, nhiều vụ án chưa được giải quyết. Việc xét xử trực tuyến giúp bảo đảm nguyên tắc tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, công bằng, công khai.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Tất Hiếu lưu ý, trong hoạt động xét xử của tòa án, vấn đề quan trọng và hiệu quả nhất vẫn là phải xét xử trực tiếp, đặc biệt là đối với những vụ án phức tạp.
Do vậy, đại biểu Lê Tất Hiếu đồng tình với quy định tại dự thảo nghị quyết là chỉ tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm những vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ rõ ràng.
Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) đánh giá, phiên tòa trực tuyến là một trong những giải pháp đột phá nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động tố tụng của tòa án, đòn bẩy để thúc đẩy quá trình giải quyết công việc của tòa án được nhanh chóng hơn, thuận lợi hơn, đáp ứng đầy đủ các quyền công dân, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
Vì là phương thức mới nên đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị, cần có sự đầu tư trang thiết bị và việc triển khai phiên tòa trực tuyến cũng cần thận trọng, nên có thí điểm đối với từng loại án, địa bàn, chỉ đạo triển khai toàn quốc.
Phát biểu làm rõ một số vấn đề, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, tổ chức phiên tòa trực tuyến là vấn đề mới nên trong báo cáo hằng năm, ngành tòa án sẽ báo cáo Quốc hội cái được, cái chưa được, những bài học rút ra và các đề nghị.
Không chỉ đáp ứng yêu cầu bức xúc trước mắt, theo Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, về lâu dài đây là một xu thế chúng ta vẫn phải làm và ngày càng làm tốt hơn, mở rộng hơn.
Đối với nguồn lực thực hiện, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, ngành tòa án đã chuẩn bị tại một số địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Giang, Tuyên Quang...
Trước mắt sẽ thực hiện ở những địa phương đã có chuẩn bị thấu đáo về hạ tầng công nghệ thông tin. Về lâu dài, cần phải bố trí nguồn lực hợp lý cho công việc này.
Cho ý kiến về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá, các ngành trong khối tư pháp đã phối hợp với cả hệ thống chính trị cùng toàn dân tham gia công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Đồng thời, tiếp tục coi trọng việc kết hợp giữa phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tấn công, trấn áp tội phạm, đã đạt được nhiều kết quả tích cực, bảo đảm tuyệt đối an toàn các sự kiện trọng đại của đất nước, điều tra, xử lý nhiều vụ án kinh tế, hình sự, tham nhũng, ma túy, các vụ án phát sinh mới, băng nhóm "xã hội đen", các vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch...
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắc Nông) nhìn nhận, kết quả của công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật thể hiện sự nỗ lực lớn, rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, Chính phủ cần bổ sung nguồn lực, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường năng lực, lực lượng kiểm soát chặt chẽ tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Đồng thời, phối hợp quốc tế trong đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật nói chung, tội phạm vi phạm pháp luật trên không gian mạng nói riêng.
Phát biểu làm rõ một số vấn đề, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, hầu hết các loại tội phạm đều giảm, song chưa bền vững.
Nguyên nhân chủ yếu là do thực hiện giãn cách xã hội đã làm hạn chế điều kiện hoạt động của tội phạm. Tuy nhiên, một số loại tội phạm lại có xu hướng gia tăng như chống người thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tung tin giả, kinh doanh đa cấp qua mạng internet...
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, Bộ Công an đã cùng với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, không để bị động bất ngờ; tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, tăng cường quản lý, kiểm soát bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng.
Đồng thời, khẩn trương điều tra làm rõ các vụ án gây bức xúc dư luận; chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch...
|
MẠNH HƯNG