Đại biểu Phạm Phú Bình chia sẻ, trong thời gian tiếp xúc cử tri tại Nghệ An vào đầu tháng 10 vừa qua, đại biểu cùng đại diện hội liên hiệp phụ nữ địa phương đến gặp một cô gái rất trẻ có chồng đã vượt biên trái phép sang Vương quốc Anh bằng tiền vay mượn để tìm kiếm cơ hội làm giàu. Người vợ trẻ và đứa con nhỏ sống trong ngôi nhà khang trang được xây cũng bằng tiền đi vay, trông đợi chồng gửi tiền về trả nợ. Rất không may là người chồng sang đến Anh thì gặp đại dịch Covid-19 nên cơ hội sinh kế của anh bên đó đã bị đảo lộn. Dịch bệnh vẫn tiếp tục kéo dài và cặp vợ chồng trẻ không biết đến bao giờ mới có thể kiếm đủ tiền trang trải nợ nần.
 |
Đại biểu Phạm Phú Bình phát biểu tại tổ. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
Đại biểu cũng nhắc lại vụ việc đau lòng xảy ra vào năm 2019, khi 39 người trẻ tuổi, đa số rời đi từ làng quê Nghệ An, đã tử vong trên đường vượt biên trái phép với ước mong có cơ hội làm giàu tại Vương quốc Anh. “Tôi nêu ví dụ này, để chúng ta cùng thấy rằng, nếu có cơ hội cho phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, thì chúng ta sẽ khai thác và giữ chân được lực lượng lao động trẻ tại địa phương, để không phải chứng kiến những vụ việc đau lòng như vụ việc năm 2019, và để đời sống xã hội được phát triển một cách lành mạnh - như những đôi vợ chồng trẻ không phải sống xa nhau như trường hợp tôi vừa nêu”, đại biểu nói.
Theo đại biểu, thực tiễn cho thấy rõ tiềm năng và cơ hội cho việc áp dụng chính sách thí điểm được đề xuất cho Nghệ An. Hiện, trong kế hoạch trung hạn, tỉnh đã có nhiều dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn vay ODA, tạo cơ hội rất rõ ràng cho tỉnh có những cú hích phát triển kinh tế-xã hội. Tuy vậy, chỉ vì một hạn chế về quy định “mức dư nợ vay tối đa không quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp”, mà không thể thực hiện. Nếu được phê duyệt điều chỉnh chính sách, thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định, cho phép nới mức dư nợ tối đa lên 40%, mức mà một số địa phương khác cũng đã được áp dụng (Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội là 90%; Đà Nẵng là 40%) thì đã giúp Nghệ An giải quyết được vướng mắc này.
 |
Đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ. Ảnh: CHIẾN THẮNG |
“Việc Quốc hội đặt ra các ngưỡng chính sách là vì mục tiêu an toàn hệ thống, trên cơ sở những nghiên cứu, đánh giá khi xây dựng chính sách. Nhưng trong một số trường hợp, những ngưỡng an toàn này lại hoàn toàn có thể là ngưỡng hạn chế khả năng phát triển của địa phương, cần phải được xem xét lại để điều chỉnh cho phù hợp”, đại biểu nói.
Đại biểu cho rằng, đây là giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn và thực hiện có căn cứ, cơ sở pháp lý, nhằm giúp các địa phương phát huy tiềm năng và cơ hội cụ thể đã được xác định, có những bước phát triển nhanh hơn so với kịch bản phát triển thông thường.
“Đặt trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực phục hồi sau các tổn thất nặng nề của đại dịch Covid-19, tôi tin rằng việc Quốc hội xem xét và cho phép thực hiện các chính sách thí điểm được Chính phủ và các địa phương đề xuất sẽ là điểm rơi đúng lúc về chính sách, góp phần nhanh chóng hơn lấy lại đà phục hồi tại các địa phương này nói riêng và toàn bộ nền kinh tế đất nước nói chung”, đại biểu nhấn mạnh.
CHIẾN THẮNG