Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đều tán thành cao với nhận xét của Đoàn giám sát rằng, cùng với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Tuy nhiên tình hình xâm hại trẻ em vẫn còn phức tạp và có xu hướng gia tăng, trong đó nhiều vụ xâm hại nghiêm trọng. Ngoài ra, còn số lượng khá lớn trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động, trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và trẻ em tảo hôn...

Phát biểu ý kiến, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu rõ thực trạng nhức nhối hiện nay là xâm hại trẻ em diễn ra nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề đối với không chỉ bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng cả gia đình và xã hội. Dẫn ra một loạt con số như trung bình mỗi ngày có 7 trẻ em bị xâm hại, 1 năm có 38 trẻ em bị giết hại, 133 trẻ em bị thương tích, 1.286 trẻ em bị xâm hại và 84 trẻ em mang thai, đại biểu cho rằng, điều này đã cho thấy mảng tối của công tác phòng chống xâm hại trẻ em là rất đáng báo động.

Mặt khác, theo đại biểu tỉnh Đồng Tháp, thực tế cho thấy còn nhiều trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, chưa được  xử lý đầy đủ, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, sức khỏe cho trẻ. Công tác theo dõi thống kê chưa được đầy đủ nên phản ánh chưa đúng thực trạng trẻ em bị bạo hành và trách nhiệm của các ngành, các cấp về bảo vệ, chăm sóc trẻ em không được quan tâm đúng mức. Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, nếu không có sự phối hợp của các ngành thì một mình ngành công an không thể làm tốt được, do đó Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội. 

Liên quan đến hệ thống pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) ví von, hành lang pháp lý bảo vệ trẻ hiện nay chỉ mới mang mô hình của một ngôi nhà chứ chưa hẳn là một ngôi nhà an toàn, kiên cố và vững chắc, và “nhìn vào nghĩ là đủ nhưng tính răn đe mạnh mẽ lại chưa đủ”.

Đại biểu nhấn mạnh, xây dựng chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em như xây một ngôi nhà an toàn. Bảo vệ trẻ nên bắt đầu từ việc xây dựng nền móng là đầu tư nguồn lực, quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục gia đình và cá nhân đối với trẻ, đặc biệt là nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về công tác này. Nhấn mạnh đến xây dựng “nền móng ngôi nhà”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền phân tích: Nền móng nếu lung lay sẽ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất an toàn đối với trẻ. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào guồng máy vận hành chung cũng đều có một mối liên hệ đặc biệt của mình đối với trẻ em. Và phòng, chống xâm hại trẻ em là nhiệm vụ chung của các cơ quan chức năng nhưng trên thực tế sự phối hợp giữa các cơ quan thời gian qua là thiếu chặt chẽ và rời rạc.

“Vừa qua không ít vụ việc trẻ em bị xâm hại mà sau khi báo chí đưa tin thì lãnh đạo địa phương mới biết. Đó có phải là sự quan tâm, tình yêu thương, trách nhiệm của những người có nghĩa vụ liên quan chỉ tồn tại trong điều khoản của Luật Trẻ em hay không”, đại biểu nêu câu hỏi. Đại biểu tin tưởng, việc ưu tiên các nhóm giải pháp về thể chế, chính sách mang tính nền tảng sẽ tạo nên nền móng cho ngôi nhà bảo vệ trẻ vững chắc.

Phản ánh tình trạng xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhấn mạnh đến những tác động xấu, mặt trái của môi trường mạng đã đặt ra nhiều nguy cơ, rủi ro đối với trẻ em. Đại biểu chỉ rõ, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng với hầu hết là clip bạo lực, xâm hại tình dục. Qua nghiên cứu các vụ án thấy rằng, với công nghệ mạng thì chưa bao giờ việc tiếp cận với trẻ em và xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay. Trong khi đó, hậu quả xảy ra đối với trẻ em xảy ra trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn và rất nghiêm trọng so với các vụ xâm hại ở ngoài xã hội: Nếu các vụ xâm hại ở ngoài xã hội chỉ vài người chứng kiến thì xâm hại đưa lên mạng thì hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cả đời. Các đối tượng tội phạm xuyên biên giới, các đối tượng phạm tội hầu hết đều thành thạo công nghệ. Thông tin về kẻ phạm tội đều là ảo, mạo danh. Do đó, các nước đều phản ánh gặp khó khăn trong điều tra tội phạm này và còn nhiều kẻ phạm tội trẻ em còn đang nhởn nhơ trên mạng xã hội...

Nhấn mạnh trong thời đại công nghệ số, việc cấm trẻ em tham gia không gian mạng là đã hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức của trẻ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng cần phải hướng dẫn trẻ kiến thức, kỹ năng cho trẻ để khai thác thông tin mạng an toàn. Đại biểu kiến nghị, các bậc phụ huynh dành quan tâm thỏa đáng hướng dẫn cho con sử dụng mạng an toàn và hướng cho con trở thành công dân có trách nhiệm trên mạng xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học;  Bộ Công an thông tin đầy đủ về thủ đoạn của loại tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác, đồng thời tăng cường biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn hiệu quả hành vi phạm tội.

Sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giải trình một số nội dung các đại biểu quan tâm việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình một số nội dung các đại biểu quan tâm. Ảnh: Quốc hội. 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, quá trình Đoàn giám sát của Quốc hội tiến hành giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và hoàn thiện báo cáo giám sát vừa qua đã có tác động rất tích cực để các cấp chính quyền cùng toàn xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.

Phó thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, các khuyến cáo của Đoàn giám sát, thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Quốc hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng, để trẻ em Việt Nam được sinh ra, được sống và trưởng thành trong một môi trường, điều kiện tốt nhất, thể hiện sự ưu việt của chế độ ta và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. 

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án cần đặc biệt chú trọng các chỉ số, các tiêu chí, các giải pháp liên quan tới chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở tất cả các bộ, ngành. Đặc biệt cần có các chương trình, đề án và dự án cụ thể đối với các vấn đề về giới và với trẻ em ở vùng núi, vùng dân tộc ít người và nhóm trẻ em yếu thế... Đồng thời, cần tập trung vào những tác động trái của công nghệ, của hội nhập như internet, phim ảnh, du lịch... để có giải pháp bảo vệ trẻ em phù hợp. Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ quan hành chính, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan kiểm sát, Tòa án để mảng công tác này tiếp tục có những tiến bộ thực chất...

PHƯƠNG HẰNG