Đáng chú ý, chính sách về đầu tư kinh doanh là nội dung được các đại biểu quan tâm. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 5 nội dung quy định “Thủ tướng Chính phủ có quyền ngăn chặn việc chuyển nhượng dự án đầu tư đang xây dựng hoặc đang hoạt động cho nhà đầu tư nước ngoài, nếu xét thấy việc chuyển nhượng đó có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia”.
Báo cáo về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Việc chuyển nhượng dự án đầu tư đang xây dựng hoặc đang hoạt động cho nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thuộc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đã tính đến yếu tố quốc phòng, an ninh.
 |
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội. |
Ngoài ra, nội dung về bảo đảm quốc phòng, an ninh còn được quy định ở các điều, khoản khác của dự thảo Luật, theo đó, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện về quốc phòng, an ninh và bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
Việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ là nội dung tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu tại phiên họp này. Nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến tán thành với việc cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.
Báo cáo trước Quốc hội về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Phương án 1: Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Phương án 2: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, không quy định cấm dịch vụ này mà quy định tại Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành.
Chọn phương án 1, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phân tích, thực tế hiện nay, bản chất sâu xa của dịch vụ đòi nợ thuê đã khác, gần như trong nhiều trường hợp, khi chủ nợ không đòi được nợ sẽ nhờ đến dịch vụ đòi nợ thuê. Rõ ràng, việc mà chủ nợ thường hướng đến là hành vi bạo lực hoặc đe dọa để đòi tiền.
Đại biểu tỉnh Nam Định cho rằng, mặc dù đã có quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh đòi nợ, song thực tế, dịch vụ kinh doanh này đã phát sinh những biến tướng. Quá trình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh và quy định pháp luật có liên quan, dẫn đến phát sinh nhiều hậu quả tiêu cực đối với xã hội. Những vi phạm phổ biến là: Bên đòi nợ phá hoại tài sản hoặc đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần, gây hoang mang cho con nợ; nhiều nơi biến tướng hình thành băng nhóm chiếm đoạt tài sản, vay lãi nặng, tín dụng đen... gây mất trật tự an toàn xã hội...
Từ những phân tích trên, đại biểu cho rằng sẽ thuyết phục hơn nếu tại kỳ họp này cơ quan soạn thảo cung cấp thêm những thông tin về việc có bao nhiêu cơ sở dịch vụ đòi nợ thuê hoạt động đúng pháp luật, mức thuế đóng góp của các công ty này là bao nhiêu, có bao nhiêu vụ phạm tội do hành vi đòi nợ thuê gây ra... Nếu có đủ những số liệu đó sẽ có cơ sở để cân nhắc xem nên để hay cấm dịch vụ này.
 |
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định). Ảnh: Quốc hội. |
Nêu rõ hơn về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) dẫn ra một loạt những con số để Quốc hội lưu tâm. Đại biểu cho biết, hiện cả nước có 115 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự với 1.076 hành nghề này. Riêng năm 2019 đã xử lý vi phạm, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đối với 48 doanh nghiệp; khởi tố 573 vụ/1.136 bị can, xử phạt 719 vụ/1.040 đối tượng. Bên cạnh tính chất phức tạp, biến tướng nguy hiểm của loại hình này thì đóng góp không nhiều vào ngân sách và sự phát triển xã hội... Tại sao không hướng đến các thiết chế lành mạnh, văn minh theo đúng pháp luật của loại hình kinh doanh đòi nợ này – đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất.
Ở chiều ngược lại, đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) lại cho rằng, không nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ. Đại biểu phân tích, bên cạnh dịch vụ đòi nợ, pháp luật cũng quy định nhiều cách khác nhau về xử lý nợ như ra tòa, trọng tài, mua bán nợ. Tuy nhiên, thủ tục khá phức tạp, hiệu quả không cao. Thậm chí, khi bản án có hiệu lực, việc thi hành án cũng rất khó khăn. Do đó, người dân tìm đến dịch vụ đòi nợ vì tính tiện dụng và hiệu quả.
Cho rằng, nếu làm đúng những quy định như trong Nghị định 104 của Chính phủ (quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ) thì "không đòi được nợ", song đại biểu đề nghị cần rà soát, sửa đổi các quy định để tăng hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động dịch vụ đòi nợ, hoạt động xử lý nợ. Đồng thời, sửa đổi Nghị định 104, tăng cường và bảo đảm hiệu lực hoạt động đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp này....
PHƯƠNG HẰNG