Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (NN) theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 và Nghị quyết số 28/2016/QH14 đến hết ngày 31-12-2025.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, việc ban hành dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất NN trong thời hạn 5 năm (từ 1-1-2021 đến hết 31-12-2025) là phù hợp, vì đây chỉ là thực hiện miễn thuế cho thời gian nhất định. Đối với giai đoạn từ 2026 trở về sau, cần thiết phải có đánh giá tác động trong tổng thể các chính sách thuế liên quan đến bất động sản để đề xuất chính sách thuế chung đối với bất động sản bảo đảm phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội và bảo đảm tính khả thi. 

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội. 

Về tác động của dự án Nghị quyết, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất NN đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước, do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.

Với số thuế sử dụng đất NN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; qua đó góp phần giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp...

Đại diện cơ quan thẩm tra, tán thành với Tờ trình của Chính phủ song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ cần tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách về miễn thuế sử dụng đất NN sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét quyết định chính sách thuế này cho phù hợp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong giai đoạn tiếp theo. 

Ngoài ra, Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên thực tế còn một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. Có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các các dự án đầu tư (đối với đền bù theo thỏa thuận). Do đó, đề nghị cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.

Nhấn mạnh việc tiếp tục miễn giảm thuế sử dụng đất NN là cần thiết, song theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), hiện mới chỉ có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 93% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo đại biểu, số lượng doanh nghiệp như hiện nay còn quá ít, quy mô hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, để góp phần đạt mục tiêu về số lượng doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng nông lâm thủy sản đạt 3%/năm trong thời gian tới.

Cùng với việc tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cũng đề nghị xem xét kỹ lưỡng công khai, minh bạch, chỉ đạo chặt chẽ trong việc quản lý thực hiện giảm thuế, bảo đảm đúng đối tượng, nâng cao kết quả hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, không để lợi dụng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm tham nhũng, lãng phí...

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng, hiện nay tình trạng nông dân bỏ ruộng là khá nhiều, bởi lẽ, trong sản xuất nông nghiệp có quá nhiều thách thức và rủi ro, chịu biến động lớn từ giá cả thị trường thế giới... Trong khi đó, công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư và đổi mới công nghệ, thiếu hạ tầng kết nối, hạ tầng thông tin trong nông nghiệp, nông thôn... Do đó, để khắc phục những thách thức và giảm rủi ro cho các doanh nghiệp, nông dân, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vào nông nghiệp và tình trạng nông dân bán ruộng vườn để sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, cần có nhiều chủ trương, chính sách hơn nữa để đầu tư trong nông nghiệp. Và chủ trương kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất NN là một chính sách đúng đắn, thiết thực và hợp với lòng dân.

PHƯƠNG HẰNG