Một điểm đáng chú ý trong dự thảo nghị quyết này là quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (ở cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường). Riêng ở huyện Hòa Vang và các xã trực thuộc vẫn tiếp tục giữ mô hình cấp chính quyền địa phương, gồm HĐND và UBND.

Theo mô hình này thì chính quyền TP được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND). Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường.

Do không tổ chức HĐND ở quận, phường nên một số nhiệm vụ của HĐND quận và phường được chuyển lên cho HĐND và UBND TP; một số nhiệm vụ của HĐND phường được chuyển lên cho UBND quận cho phù hợp...

Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu đồng thuận với mô hình chính quyền đô thị của Đà Nẵng bao gồm 1 cấp là điểm mới, phù hợp, bởi Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích tương đối nhỏ, có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao, số lượng đơn vị hành chính trực thuộc không nhiều. Ngoài ra, việc thử nghiệm các mô hình chính quyền đô thị khác nhau giữa các địa phương là cần thiết, mang lại nhiều giá trị thực tiễn, làm cơ sở cho việc nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền đô thị trên phạm vi cả nước sau này.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN. 

Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn cho rằng, việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền ở đô thị sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền đại diện, quyền làm chủ của người dân và hoạt động giám sát của HĐND đối với UBND quận, phường và các cơ quan tư pháp quận (do không tổ chức HĐND ở quận và phường nên chỉ có HĐND thành phố là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân ở địa phương).

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, đây là mô hình phù hợp vì trước đó Đà Nẵng đã từng thực hiện mô hình tương tự và cho kết quả tốt. Mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng do Chính phủ đề xuất có sự tách bạch rõ ràng giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, quy định với tinh thần của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Mão cho rằng, khi Đà Nẵng không tổ chức HĐND ở quận, phường sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để giải quyết thấu đáo, tránh phát sinh bất cập khi triển khai thực hiện. Đại biểu đề nghị cần làm rõ một số vấn đề cơ chế giám sát việc quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân đối với chính quyền quận, phường khi không tổ chức HĐND. Đặc biệt là quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân; cơ chế thực hiện các quyền đó với chính quyền quận, phường.

Cũng nêu quan điểm về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng) cho rằng việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng theo mô hình 1 cấp là phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội của thành phố. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần rà soát, bổ sung thêm về quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp quận, cấp phường trong công tác nhân sự, đặc biệt là quản lý tuyển dụng, sử dụng công chức không giữ chức vụ lãnh đạo.

Ngoài ra, thống nhất cho rằng cần có tính đặc thù để tạo sự linh hoạt trong cơ chế quản lý điều hành song theo một số đại biểu, phải đặt Nghị quyết này trong mối quan hệ với Nghị quyết của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội để từ đó đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật các thể chế, cơ chế chính sách đã thí điểm thực hiện; sau tổng kết có thể nhân rộng ra các địa phương khác... Trước mắt, chúng ta có thể ban hành một số Nghị quyết về áp dụng thí điểm. Tuy nhiên, về lâu dài cần rà soát, tổng kết, đánh giá và quy định thành một luật chung; có cơ sở pháp lý ổn định để áp dụng, tạo thuận lợi cho tổ chức thực hiện...

THẢO NGUYÊN