Có việc móc nối giữa bác sĩ và trình dược viên công ty thuốc?
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phản ánh về việc bệnh nhân chữa bệnh bằng BHYT nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc mua thuốc do bác sĩ điều trị kê, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận tình trạng này và cho rằng, để khắc phục triệt để tình trạng này cần phải nhìn nhận đúng nguyên nhân, và theo Phó thủ tướng có hai nguyên nhân chính.
 |
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé chất vấn các thành viên Chính phủ. Ảnh: VPQH |
Thứ nhất, nhiều ý kiến, kể cả các bác sĩ, nói rằng chính sách thanh toán của BHYT không phù hợp. Theo Phó thủ tướng, điều đó đúng sự thực nhưng có căn nguyên: Hiện nay, mệnh giá một người đóng trung bình BHYT tuy có tăng lên nhưng mới đạt 1,1 triệu đồng/người/năm, so với các nước trong khu vực như Philippines thì chỉ bằng 1/3, so với Thái Lan chỉ bằng 1/4.
Trong khi đó, về giá thuốc, tuy nước ta đã sản xuất được nhiều thuốc nhưng có đến 90% nguyên liệu vẫn phải nhập từ nước ngoài. Do đó, dù chúng ta đã cố gắng giảm giá thuốc rẻ hơn các nước trong ASEAN nhưng cũng chỉ rẻ hơn 10-15%. Vì vậy, BHYT không thể thanh toán tất cả các loại thuốc, mà thường xu thế chỉ thanh toán những loại thuốc thông thường; còn những loại thuốc đắt tiền, thuốc phát minh (thường gọi là biệt dược gốc), người bệnh phải bỏ tiền túi. Hiện nay, hằng năm chúng ta chi phí khoảng 120.000 tỷ đồng tiền thuốc thì BHYT thanh toán khoảng 36-37%.
Cách khắc phục, theo Phó thủ tướng là “duy trì và tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế”, và đây là câu chuyện dài hơi, liên tục và cần cố gắng.
Mặt khác, Phó thủ tướng cũng thừa nhận, “rất nhiều bệnh nhân phản ánh và đánh giá rằng tình trạng đó do có tiêu cực, có sự móc nối giữa bác sĩ điều trị và các trình dược viên các công ty thuốc, nhà thuốc để “ăn hoa hồng”.
Việc này trong ngành y tế từ nhiều năm, chúng tôi đã chỉ đạo rất quyết liệt, và có thể nói là có hiện tượng đó nhưng không phải tất cả”. Để khắc phục, Phó thủ tướng nêu rõ, “chỉ có một cách là công khai, minh bạch hết bằng công nghệ thông tin”.
“Chúng ta có đến hơn 20.000 loại thuốc và dịch vụ, hàng triệu lượt khám, chữa bệnh một năm thì không thể nào kiểm soát được nếu không tin học hóa. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế và những năm vừa rồi đã làm rất tốt”, Phó thủ tướng nói.
Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã tập trung quyết liệt thực hiện tin học hóa để đẩy nhanh hơn tiến độ rất nhiều lần. Một số việc đã hoàn thành, như cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp 4, nền tảng khám chữa bệnh từ xa, từng bước công bố tất cả những thông tin liên quan đến quản lý ngành y tế,… Tới đây, Bộ Y tế sẽ kết nối toàn bộ hệ thống quản lý của các cơ sở y tế, nhà thuốc, làm hóa đơn điện tử, bệnh án điện tử để kiểm soát tốt. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh liên thông xét nghiệm để giảm lãng phí.
Thực trạng đạo đức xã hội và ứng xử xuống cấp là có thật
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về tình trạng văn hóa, đạo đức xã hội xuống cấp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là vấn đề rất lớn, liên quan đến mọi tổ chức, mọi người dân. “Thực trạng đạo đức xã hội và ứng xử xuống cấp là có thật. Nhiều hội thảo, nhiều tài liệu đánh giá là xuống cấp đáng báo động, một số mặt nghiêm trọng, thể hiện rõ ở tội phạm, tệ nạn, những hành vi bị đồng tiền chi phối hay gian dối không trung thực. Biểu hiện ở một số giá trị văn hóa truyền thống bị mai một”, Phó thủ tướng thừa nhận.
 |
Phó thủ tướng trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPQH |
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, cần nhìn ở hai mặt. Theo đó, câu chuyện của văn hóa, hình thành văn hóa, đạo đức xã hội là câu chuyện dài hơi của mấy chục năm, trăm năm thậm chí dài hơn. Tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức xã hội xuất hiện từ khi chúng ta chuyển đổi sang cơ chế thị trường, bắt đầu đổi mới thì thấy rõ hơn.
Phó thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta không quên và vẫn rất tự hào về những điểm lớn nhất của đạo đức xã hội, mà theo các nghiên cứu quốc tế là được tổng hợp lên bởi nhân dân của một đất nước”. Cụ thể, đó là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Nhân dân nước nào yêu nước và có tinh thần dân tộc hơn nhân dân Việt Nam? Khi đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu thành công tại Vòng chung kết U23 châu Á năm 2018, cả dân tộc nao nức. Đấy là tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc.
Thứ hai là tình yêu thương đồng loại, thương người. Có đất nước nào mà lũ lụt, dịch bệnh như vừa rồi mà người dân thương nhau, giúp đỡ nhau đến như vậy?
Thứ ba là sự hòa ái, thân thiện, cởi mở. Nếu người dân Việt Nam không hòa ái, thân thiện, cởi mở làm sao Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn của du lịch?
Thứ tư là tình yêu lao động, chịu thương chịu khó. Dân tộc Việt Nam nếu không yêu lao động, chịu thương chịu khó thì không thể thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển như hôm nay.
Thứ năm là tinh thần vươn lên, đức hiếu học. Ngay việc các đại biểu Quốc hội và toàn dân quan tâm đến giáo dục cũng đã thể hiện điều đó.
“Nói như vậy để thấy rằng những hiện tượng xuống cấp của toàn xã hội là đáng báo động nhưng không phải vì thế mà chúng ta nhìn nhận xã hội, đạo đức xã hội, con người Việt Nam một cách không công bằng. Chúng ta nhìn thẳng vào những khiếm khuyết để khắc phục và gần đây đã có những khắc phục rất tốt”, Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng phân tích nguyên nhân khách quan là mặt trái của kinh tế thị trường, thông tin mạng, mạng xã hội. Về chủ quan là do sự yếu kém của văn hóa, giáo dục. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là trong mỗi con người và trong toàn xã hội có sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu. Ngoài ra, là do kinh tế thị trường, đặc biệt gần đây mạng internet, mạng xã hội có mặt trái và chúng ta phải tiếp cận, chủ động sử dụng để đẩy mạnh mặt tốt lên...
Để mỗi người tự điều chỉnh hành vi, đạo đức của mình
Nhấn mạnh, “trong các văn bản của Đảng, Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức, văn hóa xã hội”, Phó thủ tướng chia sẻ rằng, trước hết, muốn góp phần cho cái tốt nhiều lên, cái xấu bớt đi thì phải làm cho toàn xã hội, từng người dân hiểu rõ cái gì là tốt, cái gì là xấu: “Có những thứ chúng ta tưởng là dễ thấy ngay nhưng không phải. Ví dụ, ăn cắp ai cũng biết là xấu nhưng ăn cắp thời gian thì không mấy ai nghĩ là xấu”.
Bên cạnh đó, phải kết hợp giữa giáo dục, tuyên truyền, vận động phong trào với luật hóa và xử lý. Việc xử lý nghiêm minh bằng pháp luật là một biểu hiện của văn hóa, đạo đức nhưng suy cho cùng phải vận động tuyên truyền mọi người để tự điều chỉnh hành vi, đạo đức cá nhân. Đấy mới là nền tảng, gốc rễ.
Ở góc độ khác, theo Phó thủ tướng, trong mọi thời kỳ đều cần sự nêu gương từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, người lớn nêu gương cho người trẻ, đảng viên đi trước, làng nước đi sau. Đặc biệt, trong xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện Đức – Trí - Thể - Mỹ cần đặc biệt lưu ý không chỉ “Đức” mà cả “Mỹ”, lưu ý đến các ngành nghệ thuật, tôn giáo tín ngưỡng vì những tác phẩm nghệ thuật hay những thông điệp giáo đục văn hóa đạo đức tốt nhất, những hoạt động văn hóa tín ngưỡng đúng mức, đúng pháp luật sẽ giúp cho cái tốt nảy nở trong mỗi người một cách bền vững.
Bốn điểm trên, theo Phó thủ tướng, cần hết sức lưu ý và thực hiện kiên trì. Phó thủ tướng cũng lưu ý phải thực sự đặc biệt chú ý, chú trọng các vấn đề xã hội nói chung, trong đó có đạo đức, văn hóa. Phó thủ tướng mong các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực văn hóa, xã hội, không chỉ là nguồn lực đầu tư, con người mà cả thời gian, tâm sức, chỉ đạo, để dân tộc Việt Nam tiếp tục tự hào với truyền thống văn hiến, xứng đáng với truyền thống cha ông ta để lại.
THẢO NGUYỄN