Nếu tăng trưởng GDP dưới 6% thì thu ngân sách thế nào?

Trả lời đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) về việc nếu tăng trưởng GDP đạt thấp, dưới 6%, thì có bảo đảm việc thu ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Chính phủ sẽ bám sát dự toán mà Quốc hội giao.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời đại biểu. Ảnh: VPQH

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh hiện nay, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ, ngành khác tăng cường tháo gỡ khó khăn của môi trường kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng GDP. 

Nhấn mạnh đến các giải pháp bảo đảm thu – chi, cân đối ngân sách trong thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; kích cầu trong nước để tăng trưởng. Cùng với đó là tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn giá, thu hồi nợ đọng thuế; và bám sát yêu cầu của Quốc hội về ngân sách để xử lý các vấn đề phát sinh.

“Chính phủ sẽ bám sát dự toán mà Quốc hội giao. Trường hợp nếu không đạt thì sẽ áp dụng theo Luật Ngân sách Nhà nước”, Bộ trưởng nói.

Sẽ có điện thoại thông minh giá rẻ cho bà con vùng sâu, vùng xa

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) quan tâm đến những giải pháp để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận với những thuận lợi từ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, để đồng bào “không bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc cách mạng này.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong đề án chuyển đổi số mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, chuyển đổi số cho vùng sâu, vùng xa được coi là ưu tiên.

Nhấn mạnh “với chuyển đổi số thì chỗ nào càng khó khăn thì ở đó chuyển đổi số càng phát huy hiệu quả”, Bộ trưởng cho rằng, “nên bắt đầu chuyển đổi số từ nơi khó”. Về hạ tầng viễn thông, Bộ đang chỉ đạo phải phủ sóng để tất cả bà con vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa có sóng 3G, 4G, 5G để có thể truy cập được internet. Đặc biệt, về hạ tầng thanh toán điện tử, trong năm nay, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ cho thí điểm Mobile banking để bà con vùng sâu, vùng xa không có thẻ ngân hàng có thể thực hiện thanh toán điện tử được.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: VPQH

Nhắc tới một khó khăn của bà con vùng sâu, vùng xa là không có điện thoại thông minh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, hiện đang có chương trình hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà mạng Viettel hỗ trợ bán điện thoại thông minh với giá khoảng 600.000 - 700.000 đồng/máy để hỗ trợ bà con.

Cũng theo Bộ trưởng, trong chuyển đổi số cho bà con vùng miền núi thì ưu tiên đầu tiên là giáo dục, đặc biệt là giáo dục trực tuyến, để cho con em ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được bài giảng chất lượng cao và những giáo viên giỏi nhất hiện nay. Tiếp theo là vấn đề y tế: Vùng sâu, vùng xa rất ít bác sĩ nên hệ thống khám, chữa bệnh từ xa sẽ được triển khai cho bà con. Cùng với đó, về thương mại điện tử, hiện các sàn giao dịch để bà con có thể "bán được nải chuối, quả cam của mình" cũng đã sẵn sàng.

“Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai thí điểm một số xã thông minh ở vùng sâu, vùng xa với các nội dung trên. Cuối năm 2020 này, chúng tôi sẽ tổ chức sơ kết triển khai thí điểm xã thông minh và sau đó sẽ tổng kết, nhân rộng”, Bộ trưởng nói.

Việc đánh giá tình hình tham nhũng rất khó và trừu tượng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (TP Hà Nội) về việc cán bộ công chức gây nhũng nhiễu nhiều nhất ở ở lĩnh vực nào, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ: Trách nhiệm để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà người dân, doanh nghiệp trực tiếp thuộc về người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, tình trạng gây nhũng nhiễu nhiều nhất ở những lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với người dân, cán bộ, công chức thiếu rèn luyện, nhất là khu vực dịch vụ công. Trước tình hình  này, Thanh tra Chính phủ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về giảm và chống gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp vào tháng 4-2019 vừa qua; sau đó đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai chỉ thị này nhằm chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu. Sau một năm thực hiện, Thanh tra Chính phủ cũng đã có sơ kết, đánh giá thực trạng và nêu một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn. Ảnh: VPQH

Về căn cứ đánh giá tình trạng “tham nhũng được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng giảm”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết việc đánh giá này rất khó khăn, mang tính trừu tượng.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ cố gắng bám sát các nội dung và một số căn cứ như ý kiến đánh giá, phản ánh người dân, chỉ số đánh giá hiệu quả phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch thế giới, đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng… “Năm 2019, Việt Nam tăng 21 bậc so với năm 2018 về chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ chức Minh bạch thế giới”, Tổng Thanh tra Chính phủ thông tin.

PHƯƠNG HẰNG