Thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quán triệt chủ trương, đường lối lãnh đạo tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, với phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ hàng loạt các nhiệm vụ, giải pháp, tăng cường thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong các lĩnh vực, phấn đấu đạt ở mức cao và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội được Quốc hội giao.
 |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo. Ảnh: Quốc hội.
|
Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ ra rằng, năm 2018, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực hơn trước, đạt được nhiều kết quả, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong từng lĩnh vực còn có những khó khăn, hạn chế. Bên cạnh những bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, vẫn còn tình trạng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện nghiêm túc, như: Chậm ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2018; chậm báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2018; chưa thực hiện Thông tư số 129/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính về đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong chi thường xuyên...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, trên cơ sở chỉ ra những tồn tại, yếu kém, năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2019, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 theo nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội; Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công; các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; thực hiện tiết kiệm kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước 10%, góp phần đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7% - 8%.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, thay mặt Ủy ban Tài chính và Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản tán thành với nhận định, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ và cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2018 đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội năm 2018.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho rằng, bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2018 còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Các tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2018 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc xử lý chưa nghiêm các hành vi vi phạm, ý thức chấp hành và tính tự giác của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, kỷ cương, kỷ luật trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí còn có những hạn chế nhất định,...
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ cần tổng kết và đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế trong năm 2018 để có cơ sở đề xuất các giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá Báo cáo năm nay được chuẩn bị kỹ lưỡng, sâu sắc hơn một số năm; Chính phủ đã chỉ rõ những kết quả đã đạt được và thẳng thắn thừa nhận một số tồn tại, yếu kém.
Một số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải rà soát, thắt chặt một số quy định về điều kinh doanh của vận tải đường bộ; khẩn trương triển khai trên diện rộng việc thu phí tự động không dừng bằng điện tử; tăng cường, đôn đốc thực hiện các kết luận của Thanh tra, Kiểm toán về thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng, cần coi trọng công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời để đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân...
THẢO NGUYÊN