Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Luật Phòng thủ dân sự với các căn cứ chính trị, pháp lý và thực tiễn như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Các đại biểu cho rằng, việc xây dựng luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Mặt khác, ngày 30-8-2022 vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TW “Về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo” đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là “Xây dựng Luật Phòng thủ dân sự”. Đây là căn cứ chính trị quan trọng để xây dựng Luật Phòng thủ dân sự.

Quy định rõ cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự 

Tán thành với sự cần thiết ban hành và nhiều nội dung của Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) góp ý thêm một số nội dung để hoàn chỉnh dự thảo luật.

Dự thảo luật quy định: Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Quan tâm đến đối tượng, phạm vi của dự thảo luật, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ việc “bảo vệ nhân dân” cũng như liệt kê rõ ràng hơn về “khắc phục hậu quả chiến tranh” quy định trong dự luật.

“Nội dung của phòng thủ dân sự rộng hơn, không chỉ là những nội dung của phòng thủ quốc gia, mà sâu sắc hơn còn là bảo đảm cho hoạt động kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau). 

Ngoài ra, đại biểu quan tâm đến Điều 37 của dự thảo luật quy định cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự: “Cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự là tổ chức phối hợp liên ngành về phòng thủ dân sự”.

Theo đại biểu, dự thảo luật không quy định cơ quan nào thành lập ra cơ quan này. Tuy Điều 11 dự luật cũng có nhắc đến Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự nhưng lại chưa quy định lực lượng nòng cốt của cơ quan này.

“Nên chăng cơ quan này là do Bộ Quốc phòng thành lập, bởi lẽ trong phòng thủ dân sự thì dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt, phối hợp cùng các lực lượng công an xã và các lực lượng dân sự khác... Mặt khác, Bộ Quốc phòng có công cụ, phương tiện và cơ quan chuyên ngành bảo đảm nhiệm vụ”, đại biểu đề xuất.

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Cà Mau cũng đề nghị ban soạn thảo xác định rõ: Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng thủ dân sự gồm những cơ quan nào; lực lượng nòng cốt gồm những bộ, ngành nào; cơ quan này do ai thành lập. 

“Thủ tướng Chính phủ thành lập là phù hợp; cơ quan phòng thủ dân sự cấp tỉnh thì do chủ tịch tỉnh hoặc cấp tương đương thành lập và do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đó chủ trì, làm nòng cốt”, đại biểu kiến nghị và nhấn mạnh cần quy định rõ ràng để quán chiếu được toàn bộ nội dung của luật, để khi xảy ra tình huống thì có ngay lực lượng để xử lý.

Đề xuất hợp nhất các Ban chỉ đạo, chỉ huy cấp Trung ương và địa phương về phòng thủ dân sự

Chung mối quan tâm, đại biểu Phạm Thị Xuân (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng nên hợp nhất các Ban chỉ đạo, chỉ huy cấp Trung ương và địa phương về phòng thủ dân sự; nhấn mạnh điều này là rất cần thiết và phù hợp khi Luật Phòng thủ dân sự được ban hành và có hiệu lực.

Bởi lẽ, theo đại biểu Phạm Thị Xuân, hiện nay, trong lĩnh vực phòng thủ dân sự, việc phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố còn tồn tại nhiều tổ chức chỉ đạo, chỉ huy. Các tổ chức này có nhiều sự trùng lặp về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và thành viên nên trên thực tế khi có thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh xảy ra thì các tổ chức đều vào cuộc và tổ chức việc chỉ đạo, phối hợp giải quyết, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy gây chồng chéo, lúng túng cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, có thể ảnh hưởng đến tính kịp thời, hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, tổ chức thực tiễn, khắc phục thảm họa sự cố...

Bên cạnh đó, theo đại biểu, việc tồn tại đồng thời nhiều tổ chức chỉ đạo về phòng, chống thiên tai, thảm họa, sự cố, dịch bệnh gây tốn kém, lãng phí về nguồn lực tổ chức thực hiện.

Để khắc phục sự trùng lặp về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức phối hợp liên ngành trong lĩnh vực phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy trong hoạt động phòng thủ dân sự, đại biểu Phạm Thị Xuân đề nghị ở cấp quốc gia nên hợp nhất Ban tổ chức phối hợp chuyên ngành thành một tổ chức phối hợp liên ngành để chỉ đạo hoạt động phòng thủ dân sự của quốc gia là phù hợp.

"Theo đó, ở cấp Bộ, ngành và địa phương cũng cần hợp nhất Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự của bộ, ngành, Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thành cơ quan chỉ huy phòng thủ dân sự cấp bộ, ngành trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Có như vậy mới bảo đảm sự thống nhất từ Trung ương đến bộ, ngành, địa phương", đại biểu nói. 

leftcenterrightdel
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau).  

Đồng quan điểm trên và tán thành cao với việc ban hành dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Đoàn Cà Mau) nhấn mạnh nhiệm vụ phòng thủ dân sự hiện nay đang nằm rải rác ở một số bộ như: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế…

Do đó, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị cần có một lực lượng chính quy, chuyên nghiệp cho nhiệm vụ này và cho rằng Bộ Quốc phòng đảm nhận nhiệm vụ này là phù hợp vì chỉ Bộ Quốc phòng mới đủ sức mạnh về nhân lực và phương tiện.

“Nếu vậy sẽ tạo thành sức mạnh xử lý kịp thời các tình huống, không gây tốn kém cho nền kinh tế và không chồng chéo nhiệm vụ giữa các lực lượng”, đại biểu đề xuất.

NGUYỄN THẢO – CHIẾN THẮNG