Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 23-10, Quốc hội đã nghe báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Trong báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội khẳng định: Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn và ảnh hưởng lớn song công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước. Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm.

Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội...

51 người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, theo báo cáo của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, năm 2021 có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 16 người bị xử lý hình sự, 35 người đã bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người).

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long: Năm 2021 có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Ảnh: VPQH

Về kết quả công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thông tin: Số việc phải thi hành 4.799 việc; số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành là 3.691 việc; đã thi hành xong 2.697 việc.

Tổng số tiền phải thi hành hơn 72.000 tỷ đồng; đang tổ chức thi hành hơn 34.000 tỷ đồng; đã thu được hơn 4.000 tỷ đồng.

Điều tra, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đánh giá, năm 2021, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với nguyên tắc: “Có vụ việc thì phải xác minh, làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó…”.

“Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra, làm rõ và xử lý kỷ luật đối với nhiều Đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của nhà nước; đồng thời chuyển các vụ việc sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xử lý”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga thông tin.

Đáng chú ý, các cơ quan chức năng đã tích cực đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng; khởi tố mới nhiều vụ án; mở rộng điều tra, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, có cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, sĩ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang…

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thẳng thắn chỉ ra, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế nhất định; có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Trong đó, công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp...

leftcenterrightdel
 Phiên họp toàn thể chiều 23-10. Ảnh: VPQH

Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng cho rằng, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục

Đặc biệt, đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19

Vì sao thu hồi tài sản tham nhũng lại giảm nhiều?

Thảo luận về nội dung này tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) bày tỏ băn khoăn khi kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm 2021 giảm rất nhiều so với trước.

“Năm 2020, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt hơn 40% nhưng năm 2021 chỉ đạt trên 5%. Vì sao thu hồi tài sản tham nhũng lại giảm nhiều đến như vậy”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đặt câu hỏi.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre): Trong khi người dân khó khăn, cả nước chung tay phòng, chống dịch mà lại lợi dụng vào đó để trục lợi là không thể chấp nhận được. Ảnh: VPQH

Riêng đối với các vụ việc tiêu cực, có dấu hiệu tham nhũng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị xử lý nghiêm minh, không áp dụng biện pháp giảm nhẹ.

“Trong khi người dân khó khăn, cả nước chung tay phòng, chống dịch mà lại lợi dụng vào dịch bệnh để trục lợi là điều không thể chấp nhận được!”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nhấn mạnh.

HẰNG PHƯƠNG