Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến nhiều điểm sáng nổi bật trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá việc cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, có nhiều dấu ấn rất nổi bật. Đó là, đã hoàn thành 17/22 mục tiêu, đạt 77,27% tổng số mục tiêu đề ra tại Kế hoạch, trong đó có 5 mục tiêu quan trọng hoàn thành vượt xa so với mục tiêu đề ra, cho thấy việc triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đi đúng hướng, có sự chuyển biến về chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo tiền đề thuận lợi cho những đổi mới và đột phá trong tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến một số khó khăn vào năm đầu và năm cuối nhiệm kỳ do sự cố môi trường Formusa, thiên tai hạn hán tại miền Trung và đặc biệt là đại dịch Covid-19… song kết quả đạt được khá tích cực. “Nếu không gặp những sự cố này thì kết quả của cả giai đoạn 5 năm vừa qua sẽ còn tốt hơn nhiều”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đến nhiều điểm sáng nổi bật như: Nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; chất lượng, năng suất, hiệu quả của nền kinh tế có hiệu quả rất rõ rệt…
Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, giai đoạn 2016-2020, khả năng huy động vốn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn hạn chế; đổi mới sáng tạo trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chưa tạo được dấu ấn nổi bật, chưa tương xứng với tiềm năng.. “Đây là những vấn đề cần có các giải pháp cải thiện trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội nói.
 |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, khả năng huy động vốn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thời gian qua vẫn còn hạn chế. Ảnh: VPQH |
Trước hết, theo Chủ tịch Quốc hội, tuy các loại hình thị trường đã có sự phát triển khá mạnh song thị trường vốn có năng lực còn hạn chế, nhất là thị trường khoa học công nghệ chưa có sự phát triển tương xứng. Nhắc đến câu chuyện khó thu xếp vốn trong dự án thành phần theo phương thức đối tác công - tư (PPP) của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý đến vấn đề vay vốn phải trong khả năng huy động nguồn vốn.
“Khả năng huy động vốn tới đây có thể là một thách thức. Mặt khác, khả năng hấp thụ vốn cũng gặp nhiều trở ngại khi mà “có tiền nhưng không tiêu được”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội gợi mở cần cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực cho các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, khoa học công nghệ, thị trường lao động…, vì có loại dịch vụ xuống nhanh, lên nhanh như hàng không, du lịch… nhưng cũng có khu vực muốn huy động vốn thì lại gặp khó. Vì thế Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng cần nghiên cứu giải pháp cải thiện các yếu tố về thể chế, luật pháp...để mở rộng năng lực thị trường vốn thông qua thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp…
“Bây giờ muốn huy động vốn mà không huy động được thì rất khó: “Xoay đi xoay lại, người mua các loại trái phiếu này cũng là các tổ chức tài chính, chủ yếu là ngân hàng mua. Do đó, cần tính toán kỹ khi Bộ Tài chính đang tính toán phát hành thêm công trái thông qua người dân như trước đây, vì hiện tiền trong dân khá nhiều…”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Cũng liên quan đến nguồn vốn, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ quan tâm đến mục tiêu phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội tập trung vào những ngành, sản phẩm có tính cạnh tranh, lợi thế. “Phải có huy động mới đến phân bổ và sử dụng nguồn lực”, Trưởng ban Công tác đại biểu lưu ý. Trong đó, cần quan tâm đến việc huy động nguồn lực trong nước.
“Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, nhưng có thể nói nguồn lực trong nhân dân còn tương đối nhiều, nhưng lại chưa huy động được”, Trưởng Ban công tác đại biểu nhận định. Từ đó, Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần phải huy động nguồn lực trong nước, kết hợp với nguồn lực nước ngoài, đi liền với đó là cải cách thể chế, cơ chế chính sách để huy động nguồn đầu tư từ khối đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho phát triển kinh tế - xã hội.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy lưu ý Chính phủ quan tâm đến tài nguyên số, đặc biệt là dữ liệu số trong phát triển kinh tế. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cần có biện pháp đo lường nền kinh tế số trên cơ sở tiếp cận, đo lường 3 khu vực chủ yếu của kinh tế số là trang thiết bị số, kinh doanh trên các nền tảng và số hóa của các ngành.
PHƯƠNG HẰNG