Làm rõ chuyển hướng trong phòng, chống dịch
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý rằng, trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn duy trì tăng trưởng trong Quý 3-2021 và đóng góp vào tăng trưởng chung 0,35%. Do đó, cần đánh giá rõ vai trò trụ đỡ của nông nghiệp và đẩy mạnh nông nghiệp như thế nào trong thời gian tới; khẳng định vai trò bệ đỡ vững chắc cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần vào duy trì an toàn trật tự xã hội, an sinh xã hội và tại địa phương.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Quốc hội, khu vực công nghiệp và xây dựng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 lần thứ 4 do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, chuỗi cung ứng đứt gãy và phụ thuộc vào thị trường quốc tế, logistics, vận tải hàng hóa, thị trường lao động gặp nhiều khó khăn. GDP khu vực công nghiệp xây dựng này trong Quý 3 giảm 5,02%, đưa mức tăng 9 tháng chỉ còn 3,57%. Ngoài ra, ngành dệt may da giày tăng xuất khẩu chậm, hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, mất đơn hàng khách hàng đã và đang diễn ra. Khu vực dịch vụ, lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất và để phục hồi lại là không đơn giản.
 |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. |
Mặt khác, có một số ngành có mức tăng trưởng khá và hưởng lợi trong bối cảnh dịch bênh như thông tin truyền thông, viễn thông, khoa hoc công nghệ, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế biến chế tạo liên quan đến dược phẩm, thiết bị y tế… Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những lĩnh vực cần có phân tích cụ thể, để có giải pháp cho từng lĩnh vực, không thể chung chung.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý đến giải pháp cho những tháng cuối năm 2021 cần làm rõ các nội dung tập trung ưu tiên, đồng thời đánh giá kỹ bối cảnh năm 2022 để có kịch bản phù hợp. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trong năm 2022 cần làm rõ chuyển hướng trong phòng, chống dịch, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép với trọng tâm thích ứng an toàn với dịch bệnh. Vì vậy, chiến lược phòng, chống dịch cần được tích hợp và tính toán bảo bảm tối ưu và cân bằng giữa yếu tố y tế và kinh tế - xã hội; quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội, tính toán thời điểm nới lỏng có kiểm soát, tránh tư tưởng nóng vội, không chủ quan; thống nhất, cần có chương trình tổng thể để phục hồi phát triển kinh tế và tăng tính tự chủ của nền kinh tế và có đề xuất về tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, khôi phục các hoạt động xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Làm rõ một số vấn đề nổi lên thời gian qua về giá xét nghiệm Covid-19, vấn đề từ thiện, việc chuyển dịch lao động
Nêu rõ mục tiêu quan trọng đầu tiên là phải ổn định kinh tế vĩ mô gắn với an sinh xã hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng có thể trình Quốc hội xem xét quyết định một số văn bản như kế hoạch phát triển phục hồi kinh tế sau dịch, xử lý nợ xấu, thể chế chính sách khác có trong chương trình và định hướng chương trình nhiệm kỳ.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, năm 2020-2021 là giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay của đất nước, vì vậy cần phải có các gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn, các biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi kinh tế, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đồng thời tập trung vào các chính sách tài khóa đồng bộ với chính sách vĩ mô khác, gắn với cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, chấn chỉnh thái độ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và thúc đẩy đầu tư xã hội. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ có kiểm tra, rà soát và làm rõ một số vấn đề nổi lên thời gian qua để có báo cáo Quốc hội như: Giá xét nghiệm Covid-19; vấn đề từ thiện của cá nhân; việc chuyển dịch lao động, nhất là tại các tỉnh phía Nam, lao động về quê; vấn đề dạy và học trực tuyến; việc duy trì các hoạt động văn hóa xã hội để duy trì bản sắc văn hóa dân tộc… Ngoài ra, tác động của đại dịch Covid-19 đối với các nhóm yếu thế trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ và việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
 |
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tuấn |
Ngoài ra, các ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị quan tâm đến tình hình trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh năm 2021 gia tăng một số loại vi phạm và tội phạm như không chấp hành quy định về khai báo y tế, cách ly, làm lây lan dịch bệnh, tội chốn người thi hành công vụ, tội làm giả vật tư y tế thiết bị, tham nhũng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong bối cảnh khó khăn, dự báo tình hình tội phạm gia tăng đối với nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu, đề nghị Chính phủ có dự báo và các biện pháp giải quyết, xử lý để bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Dự kiến tăng trưởng cả năm 2021 sẽ ở mức 3 - 3,5%
* Tại phiên họp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù lần đầu đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu cả về y tế, kinh tế, xã hội, nhưng chúng ta vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn.
Tuy nhiên đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng, là tăng trưởng quý III giảm 6,17%, kéo tốc độ tăng trưởng 9 tháng GDP chỉ đạt 1,42%.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự kiến tăng trưởng cả năm 2021 sẽ ở mức 3 - 3,5% tủy thuộc vào khả năng mở cửa kinh tế của đất nước đến mức nào, nhưng đều là chỉ số rất khó khăn để đạt được.
|
NGUYỄN THẢO