Theo Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, cử tri tin tưởng và đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động dự báo; chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa; chủ động phối hợp và giữ vững kỷ cương đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất để kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước...

Chính phủ cần thông tin về việc tăng lương tối thiểu

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập đến một vấn đề chưa được thể hiện trong báo cáo. Đó là những tác động liên quan đến đời sống của người dân, người lao động, nhất là người khó khăn do tác động lâu dài của tình trạng giá cả tăng trong nhiều năm nay.

“Giá xăng tăng rất mạnh dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua việc giảm một nửa mức thuế bảo vệ môi trường; nguyên nhân là do giá dầu thế giới liên tục leo thang. Rõ ràng, tình hình giá cả leo thang đã ảnh hưởng đến việc tăng chỉ số giá tiêu dùng, nhất là nhóm hàng gắn trực tiếp với tiêu dùng của nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nói.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Gắn với đó, theo Chủ tịch Quốc hội, một vấn đề khác nữa là việc rút bảo hiểm xã hội một lần. "Không phải người lao động không thấy được những lợi ích thiết thực của việc duy trì bảo hiểm xã hội để sau này hưởng lương hưu mà việc này là do đời sống của người dân khá khó khăn, khiến tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần mới tăng lên", Chủ tịch Quốc hội phân tích và đề nghị cần có số liệu để đánh giá cụ thể tình trạng này và có so sánh với trước đây.

Một vấn đề liên quan khác được Chủ tịch Quốc hội lưu ý là vấn đề điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong khu vực doanh nghiệp sản xuất, đã được Hội đồng Tiền lương quốc gia đồng thuận và chốt đề xuất tăng từ ngày 1-7-2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.

“Chính phủ nên có chỉ đạo, thông tin thêm đối với nội dung quan trọng này bởi vài năm nay chưa có điều chỉnh việc tăng lương. Đây là vấn đề lớn cần nêu ra trong báo cáo”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, người dân lo lắng, bất an về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nhất là thị trường bất động sản. Cử tri mong muốn lập lại trật tự, kỷ cương của thị trường chứng khoán, tiền tệ. 

Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp diễn biến “bất thường”

* Trước đó, liên quan đến hai thị trường phát triển “nóng” trên thời gian qua, trong phiên họp sáng nay, 11-5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh năm 2022, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp có những diễn biến "rất bất thường".

“Chứng khoán bây giờ quá bất thường, có phiên giảm đến hơn 4,4% buổi sáng rồi lại đảo chiều tăng 24 điểm ngay buổi chiều. Bất thường như thế có yên tâm được không”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ băn khoăn và đề nghị phải đánh giá cho kỹ vấn đề này; đồng thời đề nghị đánh giá tác động của trái phiếu doanh nghiệp bởi trong năm 2021, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển quá “nóng”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo cần dẫn các số liệu cụ thể xem tổng số phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 là bao nhiêu; trong đó trái phiếu doanh nghiệp cho bất động sản là bao nhiêu, nợ đến hạn là bao nhiêu, nợ đến hạn không có khả năng thanh toán là bao nhiêu?

“Việc đó nguyên nhân ở đâu, nói là nghị định không chặt chẽ thì ai chịu trách nhiệm. Các số liệu cần đưa hết vào báo cáo, tránh chuyện báo cáo tóm tắt toàn bằng lời”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý. 

THẢO PHƯƠNG