Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ ba, ngày 6-6, sau khi nghe Chính phủ trình về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) và hai đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về các nội dung này.

Cho cơ chế đặc biệt thì phải cá thể hóa trách nhiệm

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin, 5 dự án cao tốc và đường vành đai được bàn thảo rất kỹ lưỡng trong quá trình chuẩn bị cho kỳ họp.

Nếu cả khóa XIV chỉ có một dự án quan trọng quốc gia thì ngay kỳ họp này có đến 5 dự án, nếu tính cả cao tốc Bắc - Nam được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ hai thì ngay năm đầu của Quốc hội khóa XV đã có 6 dự án quan trọng cấp quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 6-6. Ảnh: daibieunhandan.com.vn 

Với 5 dự án vừa được Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành tới 3 phiên làm việc (ngày 11, 12-5 và 4-6) để quyết định các yếu tố thành phần về vốn để có căn cứ pháp lý trình Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, các dự án này được đề xuất áp dụng nhiều cơ chế đặc thù khác với luật hiện hành. 

“Đã cho cơ chế đặc thù thì phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, cá thể hóa được trách nhiệm, nhất là trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và lưu ý phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tránh hệ lụy xấu, chỉ định thầu mà năng lực không đúng, làm không đến nơi đến chốn thì người chỉ định thầu phải chịu trách nhiệm. 

“Nguyên tắc là hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố ra nghị quyết và cam kết với Chính phủ, còn Chính phủ phải có trách nhiệm cam kết với Quốc hội. Vốn nào ra vốn đó, cam kết phải có. Khi điều chỉnh tổng mức đầu tư thì Trung ương và địa phương cũng phải cam kết bỏ phần tương ứng để hoàn thành”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Quy hoạch song song để thu địa tô chênh lệch

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) bày tỏ tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, cấp bách đầu tư hai dự án: Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề thu hồi vốn của hai dự án này; cho rằng tờ trình của Chính phủ “còn bỏ lọt đi một yếu tố quan trọng”.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, nếu các dự án giao thông được quy hoạch đồng thời với các dự án khác hai bên đường như đô thị, khu công nghiệp, thuê mặt bằng… thì nguồn tiền thu được từ sử dụng đất, đặc biệt là địa tô chênh lệch sẽ “không ít”, thậm chí “thừa tiền làm đường”, nhất là các dự án vành đai đô thị.

 Đại biểu Lê Thanh Vân. Ảnh: VPQH

Đáng chú ý, đại biểu Lê Thanh Vân cũng chỉ ra rằng, dự án Vành đai 4 Hà Nội chủ yếu đi qua đất nông nghiệp, do đó cùng với việc phê chuẩn các dự án giao thông này song song với nhiệm vụ quy hoạch hai bên đường thì sẽ tạo ra quy hoạch dẫn đường và còn tạo ra địa tô chênh lệch.  

“Nếu sau khi dự án hoàn thành mới lập các quy hoạch thì việc thu hồi đất, xác định giá đất sẽ rất phức tạp và khi ấy, người thiệt hại sẽ không chỉ là người dân mà còn là cả Nhà nước nữa", đại biểu nói và nhấn mạnh quan điểm "phải đi trước, lập quy hoạch song song mới giải quyết về vấn đề kinh tế-xã hội và thu hồi nhanh nguồn vốn". 

Hoàn thiện các đường vành đai còn đang dang dở, bảo đảm sinh kế cho người dân

Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) thì cho rằng, 3 dự án đường vành đai của Thủ đô Hà Nội chưa dự án nào hoàn thành, đều gặp điểm nghẽn, không phát huy được hiệu quả. 

Riêng đối với dự án Vành đai 4 Hà Nội, nhấn mạnh “Hà Nội là trái tim của cả nước”, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị cần có giải pháp để hoàn thiện các đường vành đai; cùng với việc triển khai chủ trương đầu tư dự án này thì cũng cần có chủ trương, giải pháp để hoàn thiện các đường vành đai còn đang dang dở.

Đại biểu tỉnh Đắk Nông cũng lưu ý đặc biệt đến chất lượng những con đường cao tốc. Theo đại biểu, các đường cao tốc đều được chủ trương đầu tư theo giá quốc tế nhưng chất lượng chưa bảo đảm, còn mấp mô, thậm chí sụt lún... Do đó, khi đồng loạt triển khai nhiều dự án đường giao thông như thế này thì cần đặc biệt tính toán đến chất lượng của các nhà thầu. 

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cũng nhấn mạnh, hiện nay chúng ta đang triển khai đồng loạt nhiều chương trình trọng điểm quốc gia, trong đó có các tuyến cao tốc.

Nhắc lại việc dự án Đường Hồ Chí Minh đến nay vẫn chưa xong do thiếu vốn, đại biểu đề nghị cần rà soát lại các dự án trọng điểm đang cần vốn để ưu tiên thực hiện.

Nhấn mạnh “một chương trình triển khai chậm sẽ gây đội vốn” và “chậm chừng nào hại chừng đó”, đại biểu đề nghị cần cân đối các nguồn lực, huy động các nguồn lực để đầu tư cho các dự án này.

Đại biểu Dương Khắc Mai cũng đặc biệt lưu ý đến việc đánh giá tác động, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; để khi đường cao tốc đi qua thì vẫn sẽ bảo đảm được đời sống, sinh kế cho người dân, bằng hoặc khá hơn trước khi giải phóng mặt bằng. 

THẢO PHƯƠNG