Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) chất vấn về trách nhiệm của ngành chức năng, thanh tra chuyên ngành trong việc để xảy ra nhiều vụ làm hàng giả như xăng dầu, làm giả nhãn mác, thương hiệu hàng Việt Nam.

Trả lời đại biểu, nhấn mạnh “xăng dầu là mặt hàng trọng yếu”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hàng loạt các chỉ thị của Chính phủ, đặc biệt là Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Bộ Công Thương đã được ban hành, tập trung yêu cầu các Sở Công Thương và Quản lý thị trường các địa phương phối hợp với các lực lượng trong Ban chỉ đạo 389 Quốc gia kiểm tra chất lượng sản phẩm tiêu thụ trên thị trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn các đại biểu. Ảnh: TTXVN.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, vụ làm xăng giả lớn của doanh nghiệp ông Trịnh Sướng có nguyên nhân từ sự phối hợp không kịp thời và hiệu quả của các lực lượng Ban chỉ đạo 389 quốc gia tại địa phương, đặc biệt là trong việc tìm ra kẽ hở của luật pháp và kiểm soát chất lượng của các sản phẩm trên thị trường.

Liên quan đến mặt hàng xăng giả, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhắc đến quy định trong Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Theo đó, Bộ Khoa học Công nghệ có nhiệm vụ chỉ đạo để kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, thực hiện những quy định cụ thể liên quan đến quy chuẩn của các mặt hàng xăng, dầu và dung môi trong pha chế. Còn lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm thực hiện các kế hoạch kiểm tra về chất lượng xăng, dầu trên địa bàn cũng như xăng dầu lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công Thương cũng cho rằng, “không có đủ điều kiện để phát hiện ra những hành vi được tổ chức một cách quy mô, tinh vi. Ngay cả việc phối hợp cũng không bảo đảm thực hiện được hết trên toàn bộ địa bàn do sự yếu kém của lực lượng địa bàn”.

Do đó, sau khi Bộ Công an điều tra về vấn đề này, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức kiểm tra lại quá trình thực thi kiểm tra pháp luật. “Kế hoạch bảo đảm chất lượng xăng dầu ở tại địa bàn, địa phương phải được làm chặt hơn nữa, gắn với trách nhiệm của các lực lượng có liên quan, gồm Bộ Khoa học Công Nghệ, Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và các địa phương”, Bộ trưởng Công Thương nói.

Đồng thời, trong khi chờ kết luận từ Bộ Công an, Bộ đã có biện pháp chấn chỉnh, có kế hoạch kiểm tra việc quản lý chất lượng xăng dầu ở các địa phương chặt chẽ hơn nữa, gắn chặt trách nhiệm của các lực lượng có liên quan. Hiện Bộ đang tổ chức lại công tác quản lý và phối hợp của lực lượng quản lý thị trường trong thực thi pháp luật, bảo đảm sự xuyên suốt trên địa bàn liên khu vực và đấu tranh hiệu quả đối với lực lượng làm hàng giả và gian lận thương mại, trong đó có mặt hàng xăng dầu.

Đối với vấn đề hàng giả “đội lốt” hàng Việt Nam, Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương cho biết, thực tế, đã có khuôn khổ pháp luật điều chỉnh các sản phẩm được sử dụng xuất xứ của Việt Nam, đó là Nghị định 43 được ban hành theo Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Nghị định 31 ban hành mới đây dựa trên Luật Quản lý ngoại thương. Hai nghị định này hướng vào hai mục tiêu khác nhau: Nghị định 43 quy định các doanh nghiệp, tổ chức, sản phẩm phải công bố và có chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm của mình. Nghị định 31 hướng tới cung cấp các điều kiện để các doanh nghiệp đăng ký các sản phẩm của mình được đăng ký xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế quan ưu đãi trong các quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam với các nước, trong đó quy định rõ hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam phải tối thiểu 30%...

Nghị định 43 mới chỉ dừng lại ở mức theo đăng ký xuất xứ nhưng chưa có tiêu chí, hàm lượng cụ thể để hướng dẫn cho doanh nghiệp, tổ chức khi cung cấp các sản phẩm của mình có thể đăng ký xuất xứ hoặc sản phẩm của Việt Nam.

Đến nay, "Bộ đã bước đầu hoàn thiện Dự thảo thông tư Made in Vietnam và công bố để xin ý kiến phản biện từ các doanh nghiệp, tổ chức... Sau đó, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ theo đúng quy trình để ban hành văn bản quy phạm pháp luật", Bộ trưởng nêu rõ.

Trả lời thêm về vấn đề này, liên quan đến vấn đề tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu hàng giả, nhất trí với đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, những loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng...

Bên cạnh đó, các loại tội phạm xuyên quốc gia, các hoạt động sản xuất hàng giả, hàng cấm có diễn biến phức tạp, nhất là lợi dụng thương mại điện tử để thực hiện hành vi này, nên đây là khâu rất khó khăn trong quản lý, đấu tranh.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN.

“Hơn 4.000 website bán hàng điện tử chưa được đăng ký, tiềm năng xuất hiện rủi ro, vi phạm lớn. Tương tự, hoạt động tín dụng đen trên internet đang phát triển, có 26 công ty thành lập website hoạt động theo mô hình cho vay này, với quy mô lớn và chúng ta cũng chưa xử lý được”, Bộ trưởng cho biết.

Chính phủ, Quốc hội luôn cam kết giải quyết vấn đề rác thải nhựa

Về vấn đề rác thải nhựa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đây là vấn đề lớn không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới, ảnh hưởng đến hệ sinh thái, con người.

Dẫn chứng việc trên bàn họp hôm nay không có đồ nhựa dùng một lần, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, Chính phủ và Quốc hội luôn cam kết giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Hiện nay, Việt Nam cũng đã có Luật quản lý tài nguyên, môi trường biển và tham gia những hiệp định quốc tế về vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, công cụ quan trọng để đối phó với vấn đề rác thải nhựa là chính sách thuế, phí áp dụng với các loại nhựa một lần. Bên cạnh đó, sẽ có cơ chế khuyến khích vật liệu thân thiện môi trường. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và toàn xã hội... “Nếu người dân không sử dụng đồ nhựa dùng một lần sẽ vừa giảm rác thải, vừa tiết kiệm, đóng góp quan trọng cho thành công chung của chiến lược đối phó vấn đề rác thải nhựa”, Bộ trưởng khẳng định.

NGUYỄN THẢO