Bảo đảm tiến độ sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
Trả lời chất vấn của đại biểu về sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và một số trường hợp liên quan đến công nhận liệt sĩ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Lao động sẽ trình Chính phủ cho ý kiến sửa đổi Pháp lệnh Người có công vào tháng 10 và tháng 12 sẽ trình chính thức với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
 |
Toàn cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 15-8. Ảnh: TTXVN. |
“Hiện chúng tôi đã lấy xong ý kiến của các ngành, các cấp, các địa phương và đang lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Bộ cũng đã gửi trực tiếp Dự thảo sửa đổi Pháp lệnh đến tất cả cá đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh thành để xin ý kiến, tinh thần là chúng tôi sẽ thực hiện đúng thời hạn, sẽ trình Thường vụ Quốc hội vào tháng 12”, Bộ trưởng thông tin.
Về một trường hợp ở Cà Mau mà đại biểu đã viết thư cho Bộ trưởng đề nghị truy tặng liệt sĩ, Bộ đã trình Thủ tướng và xin phép ban hành văn bản có “tính chất cá biệt” vì hiện nay không có quy định cụ thể về cách thức xử lý với trường hợp tương tự.
Liên quan đến trường hợp Mẹ liệt sĩ có nuôi một con nuôi và một cháu nuôi mà không được công nhận là Mẹ Việt Nam anh hùng, theo Bộ trưởng, việc sửa đổi Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng không thuộc thẩm quyền của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mà thuộc thẩm quyền của Bộ Nội vụ, “tuy nhiên trong quá trình thực hiện chính sách thấy có vướng mắc, chúng tôi cũng phát hiện ra và cũng đã kiến nghị. Bộ Nội vụ đã tiếp thu ý kiến và đã thống nhất với Bộ Quốc phòng; chúng tôi sẽ trình Chính phủ báo cáo với Thường vụ Quốc hội. Tinh thần là đối với người có công, chúng tôi sẽ làm khẩn trương nhất để đáp ứng được được nguyện vọng thiết tha của người dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thông tin tiêu cực trên mạng còn dưới 10%
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Đại biểu nhận định, mạng xã hội bây giờ không phải ảo mà là thật, diễn biến rất phức tạp, có tình trạng dùng ngôn từ chống phá, kích động, thông tin sai sự thật. Ngoài ra còn có đánh bạc, lừa đảo gây hiệu quả rất nghiêm trọng... Dù Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Bộ, ngành có nhiều biện pháp ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ án nhưng đây vẫn là vấn đề “nóng”. Đại biểu đặt câu hỏi: Kết quả nổi bật, ấn tượng nhất từ khi Bộ trưởng trả lời chất vấn đến nay? Từng là lãnh đạo một nhà mạng lớn, Bộ trưởng có cam kết chấm dứt được tình trạng sim rác không? Khi nào sẽ có mạng xã hội uy tín của Việt Nam thay thế trang mạng xã hội khác?
Nhấn mạnh "muốn quản lý được thì đầu tiên phải nhìn thấy", Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua Bộ Thông tin và Truyền thông đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm: Giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và thông tin trên không gian mạng. Trung tâm này có khả năng xử lý mỗi ngày khoảng 100 triệu tin và phân loại, đánh giá được tỉ lệ tin tiêu cực, tích cực.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, “trước đây, tỉ lệ thông tin tiêu cực trên mạng đánh giá là trên 30%, bây giờ chúng ta nhìn thấy và có tác động điều chỉnh, các tiêu cực cơ bản nằm dưới 10%”.
 |
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN. |
Về mục tiêu xây dựng mạng xã hội của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu không có mạng của chính mình thì thông tin ta nói, ta nghĩ, ta đọc, thậm chí mua bán đều được lưu trữ ở nước ngoài. “Nói vui là não người Việt Nam nằm ở nước ngoài”, Bộ trưởng ví von.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay, các mạng xã hội Việt Nam có khoảng 65 triệu thuê bao, trong một năm tăng trưởng khoảng 30%. Các mạng xã hội cộng lại là khoảng 90 triệu. Bộ trưởng kỳ vọng, “với tốc độ tăng trưởng hiện nay của mạng xã hội nước ta, trong khoảng năm 2020 - 2021, chúng ta sẽ đạt câu chuyện 50 - 50”.
Liên quan đến câu chuyện không mới - “sim rác”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây là câu chuyện lớn, xảy ra nhiều năm và “trong những năm qua, chúng ta đã cắt bỏ sim không đủ thông tin, nhưng giờ vẫn còn lượng sim lớn đang nằm trên các kênh bán lẻ.
Bộ trưởng cho biết, từ nay đến tháng 9, các cơ quan truyền thông sẽ tập trung giải quyết chuyện sim rác bằng cách các nhà mạng mua lại. Giải pháp mới cho chuyện sim rác là giao trách nhiệm trực tiếp đến tổng giám đốc công ty truyền thông.
“Nếu như còn tồn tại sim rác trên các nhà mạng, nhà mạng sẽ không được cấp phép các dịch vụ mới”, Bộ trưởng nói.
Chú ý yếu tố an ninh, quốc phòng trong xây dựng cao tốc Bắc - Nam
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) về quan điểm chỉ đạo xây dựng triển khai cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, do đây là dự án quan trọng quốc gia, nên Chính phủ xác định thực hiện dựa trên ba nguyên tắc.
 |
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời đại biểu. |
Nguyên tắc thứ nhất, đây là dự án trọng điểm quốc gia nên trình tự, thủ tục thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Nguyên tắc thứ hai là tiến hành đấu thầu công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật.
Nguyên tắc thứ ba, đây là công trình trọng điểm quốc gia, ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, kinh tế - xã hội nên phải chú ý yếu tố an ninh, quốc phòng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, thời gian qua, Bộ GTVT đang triển khai nhiều thủ tục liên quan. Hiện Bộ GTVT đã phê duyệt dự án, đang triển khai thiết kế, thi công vượt dự toán. Bộ cũng đã xin báo cáo với Thường trực Chính phủ tại nhiều cuộc họp. Thường trực Chính phủ cũng đang xin ý kiến các cơ quan lãnh đạo để thực hiện dự án này sẽ bảo đảm đạt ý nghĩa kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
PHƯƠNG HẰNG