Trước đó, trong Tờ trình, Chính phủ đề nghị sửa một số điều khoản của Luật Doanh nghiệp.
Theo đó, để khắc phục vướng mắc trong xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phù hợp với thực tiễn, khoản 8 Điều 6 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 217 như sau:
“Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 88 Luật Doanh nghiệp nắm giữ 100% vốn điều lệ”.
|
 |
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp. Ảnh:VPQH |
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, đại biểu Đoàn TP Hà Nội, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã dành nhiều thời gian để nói về nội dung này. Đại biểu bày tỏ nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự án luật theo Tờ trình của Chính phủ.
Đồng thời, đại biểu cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải hoàn thiện chính sách đối với doanh nghiệp quốc phòng và an ninh trong Luật Doanh nghiệp.
Hai loại doanh nghiệp Nhà nước trong quân đội
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt cho biết: Hiện nay, doanh nghiệp Nhà nước trong quân đội bao gồm 2 loại: Doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh - là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh gồm cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa hoặc đã cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang quản lý giao nhiệm vụ quân sự, quốc phòng cho 83 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, 20 doanh nghiệp cổ phần. “Đây là các doanh nghiệp quân đội thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và kết hợp kinh tế với quốc phòng, thực hiện chức năng tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội”, đại biểu nói.
Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, còn có các công ty TNHH 1 thành viên, 2 thành viên là công ty con của công ty mẹ, tập đoàn đang được giao nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng chưa đủ cơ sở pháp lý để được công nhận là doanh nghiệp quốc phòng.
Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt nêu rõ: Trong những năm qua, các doanh nghiệp quân đội có đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 5% GDP, thu nộp ngân sách khoảng 25% tổng số các doanh nghiệp Nhà nước nộp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 150.000 lao động.
Đặc biệt, doanh nghiệp quân đội đã xây dựng được những thương hiệu mạnh, có đóng góp quan trọng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, là cơ sở ổn định chính trị - xã hội, là trụ cột xây dựng địa bàn phên dậu của Tổ quốc trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
 |
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, đại biểu Đoàn TP Hà Nội, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN |
Thế nào là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh?
Nói rõ về quy định doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt nhấn mạnh: Đây là doanh nghiệp trực tiếp nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, như Tập đoàn Viettel, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng.
Cùng với đó là khối doanh nghiệp có nhiệm vụ xây dựng, duy trì, củng cố hợp tác phát triển các nguồn lực quốc phòng, các công trình quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, các công trình trọng điểm quốc gia, cứu hộ, cứu nạn và duy trì lực lượng dự bị động viên sẵn sàng chuyển trạng thái khi có tình huống, như các Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Trường Sơn, Thành An.
Ngoài ra còn có các Binh đoàn 15 và 16 đứng chân trên các địa bàn chiến lược, tham gia phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư vùng khó khăn, biên giới, xây dựng thế trận quốc phòng an ninh thực sự là phên dậu của Tổ quốc trên các vùng chiến lược.
“Đây là lực lượng nòng cốt để quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, đồng thời cũng là các đơn vị quân đội trực tiếp phục vụ chiến đấu và chiến đấu khi có tình huống”, đại biểu nêu rõ.
Theo đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, các doanh nghiệp này là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, được hưởng các cơ chế, chính sách doanh nghiệp quốc phòng - an ninh để thực hiện nhiệm vụ, kể cả việc sử dụng đất quốc phòng cho lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo Nghị quyết 132 của Quốc hội.
Trong những năm qua, cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh đã được quan tâm xây dựng và từng bước hoàn thiện.
Thế nào là doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh?
Còn về doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng an ninh, theo đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt, gồm các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang thực hiện cổ phần hóa, như Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô, Thái Sơn, Tổng Công ty 319, Tổng công ty Đông Bắc, hoặc đã cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối vẫn còn thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, như Công ty cổ phần 20, 22, 26, 32.
Các doanh nghiệp này sản xuất, kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, cũng có một số nhiệm vụ quốc phòng được giao, như sản xuất quân trang, tham gia xây dựng một số công trình quốc phòng, quản lý dây chuyền động viên công nghiệp, tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Khi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng thì mới được hỗ trợ theo nhiệm vụ được giao, không có cơ chế hỗ trợ như doanh nghiệp trực tiếp phục vụ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh.
“Đây là loại hình doanh nghiệp đã được quy định tại khoản 5 Điều 2017 của Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 47 với quy định chi tiết về tổ chức, quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng và an ninh”, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt nói.
Hiện nay Bộ Quốc phòng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp dự thảo nghị định để đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 47 bảo đảm có đủ hành lang pháp lý để điều chỉnh đối với doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Việc sửa đổi là cần thiết, phù hợp với thực tiễn quản lý hoạt động của doanh nghiệp quân đội
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt nhấn mạnh, việc đề xuất của Chính phủ đối với nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 217 của Luật Doanh nghiệp là cần thiết, có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, phù hợp với chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và phù hợp với thực tiễn quản lý hoạt động của doanh nghiệp quân đội, đáp ứng tốt hơn yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
 |
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) phát biểu. Ảnh: VPQH |
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cũng đồng tình phải sửa đổi việc công nhận doanh nghiệp phục vụ trực tiếp. Bởi lẽ, theo đại biểu, doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và phải thực hiện nhiệm vụ trực tiếp thì không nhất thiết phải là công ty mẹ - công ty con mà miễn là phải phục vụ trực tiếp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, quy định trong luật là không có khái niệm xác định doanh nghiệp kết hợp kinh tế với quốc phòng. Vì vậy, việc mở rộng đối tượng là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh gồm Công ty TNHH 100% vốn điều lệ nắm giữ bởi doanh nghiệp quốc phòng do Nhà nước nắm giữ 100 vốn điều lệ cần cân nhắc sửa đổi theo đúng đối tượng.
HẰNG PHƯƠNG