Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Cần sớm có chiến lược phát triển nguồn nhân lực nữ
Những năm qua, công tác phát triển nguồn nhân lực nữ được Đảng, Nhà nước quan tâm bằng các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật. Theo đó, đội ngũ cán bộ nữ có bước trưởng thành vượt bậc, tỷ lệ cấp ủy cấp cơ sở và cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016-2020 tăng rõ rệt. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là 24,4%, HĐND cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện là 24,62%, cấp xã là 21,71%; có 18/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh đạt từ 30% trở lên...
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hòa
Tuy nhiên, để có chiến lược “dài hơi” phát triển nguồn nhân lực nữ, Đảng, Nhà nước cần quan tâm hơn nữa. Chiến lược nhân lực Việt Nam, Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cũng như trong quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của nhiều ngành, địa phương cũng chỉ mới đề cập theo vùng miền, ngành nghề, lĩnh vực mà chưa quan tâm đến giới, không có quy định mang tính đặc thù dành riêng cho nữ, hoặc nguồn nhân lực nữ.
Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp, chính sách đối với lao động nữ". Hội LHPN Việt Nam mong Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo, xây dựng và tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển nguồn nhân lực nữ Việt Nam giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, chú trọng nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, từng gia đình, bản thân phụ nữ về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng tình hình mới. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực; về vị trí, vai trò của nguồn nhân lực nữ và xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực nữ nói riêng. Trên cơ sở nhận thức đúng, đủ và toàn diện về nguồn nhân lực nữ, cần xây dựng, tổ chức thực hiện hệ thống luật pháp, chính sách hợp lý, cụ thể hóa các quy định trong Hiến pháp năm 2013...
Cần có chính sách hỗ trợ phụ nữ trong đào tạo, bồi dưỡng, tiếp cận thông tin, khuyến khích đào tạo nghề cho lao động nữ với hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách khởi nghiệp. Quan tâm xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với các nhóm phụ nữ, như phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật có hoàn cảnh khó khăn...
VÂN ANH (lược ghi)