Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đánh giá, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và quyết tâm của Chính phủ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, kinh tế Việt Nam năm 2017 tăng trưởng khá đồng đều ở các lĩnh vực, với nhiều tín hiệu lạc quan. Đại biểu cho rằng một "điểm sáng" của nền kinh tế là trong năm 2017, có sự tăng trưởng đồng đều ở tất cả các lĩnh vực: Nông nghiệp, Công nghiệp-xây dựng, dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo... Năm qua, bội chi ngân sách cũng được kiểm soát tốt, giảm được 4.000 tỷ đồng, kéo giảm bội chi xuống, từ 5%GDP xuống còn 4,8%GDP...

Đại biểu Trần Hoàng Ngân.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, quan tâm, điều chỉnh, bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn. Đại biểu cho biết, chúng ta nằm trong số các nước có độ "mở" kinh tế cao, xếp hạng 7 thế giới và nằm trong nhóm đối tượng dễ nhạy cảm với biến động của tình hình kinh tế thế giới, vốn diễn biến rất phức tạp. Do vậy, đại biểu cho rằng, trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, chúng ta cần quan tâm đến thị trường ở trong nước - nội lực của nền kinh tế. Theo đánh giá của chỉ số năng lực thế giới về năng lực cạnh tranh toàn cầu, thì Việt Nam đứng hạng 31/137, cho thấy thị trường trong nước của chúng ta rất hấp dẫn, do đó, đại biểu nhấn mạnh cần quan tâm và kiểm soát độ “mở” của nền kinh tế.

Đại biểu cũng quan tâm đến khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: Trong 30 năm qua, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài của ta đã đạt được những kết quả nhất định, số vốn đăng ký lên đến hơn 310 tỷ USD, giải ngân 172,3 tỷ USD (tương đương 78%GDP). FDI cũng hỗ trợ tăng trưởng 20%; vốn đầu tư 24%; kim ngạch xuất khẩu FDI chiếm đến 72%. “Như vậy, đây là yếu tố không bền vững, chỉ cần có một sự chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài hoặc rút vốn sẽ tác động đến nền kinh tế trong nước”, đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích và kiến nghị, trong thời gian tới, cần có một sự định hướng chiến lược trong thu hút FDI với 4 tiêu chí: Xanh-Sạch-Chất lượng-Tính lan tỏa. "Xanh ở đây là bảo đảm môi trường, ví như Formosa phải được kiểm soát chặt chẽ. Sạch có nghĩa là xem xét lý lịch doanh nghiệp, chứ đừng để khi cấp phép rồi mới “tá hỏa” vì doanh nghiệp này mang tai tiếng trên thế giới. Chất lượng là quan tâm tới công nghệ cao. Cuối cùng, phải quan tâm tới tính lan tỏa vì thực tế thời gian qua, vốn FDI nhiều nhưng sự lan tỏa, chuyển giao công nghệ để các thành phần kinh tế trong nước phát triển còn mờ nhạt", đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.

Đại biểu TP Hồ Chí Minh cũng băn khoăn khi khoảng cách giàu nghèo trong nước ta hiện đang rất lớn. Trong khi lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhưng năng suất lao động thấp, làm cho năng suất lao động bình quân của nước ta thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. “Cần làm tốt hơn việc “chấn hưng” nền nông nghiệp Việt Nam- nơi có dân số đông và tỷ lệ lao động lớn, sẽ giúp thu hẹp vấn đề khoảng cách giàu nghèo, tăng năng suất lao động. Đại biểu kiến nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần giảm chi phí logistics, nhằm làm giảm chi phí vận chuyển từ nông thôn đến thành thị; hay vấn đề bảo quản nông sản sau thu hoạch, chế biến như thế nào cho phù hợp..."Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ cao để làm sao nâng cao vị thế của hàng hóa, nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới. Mà ứng dụng công nghệ cao lại đòi hỏi sản xuất lớn, điều này đòi hỏi tổ chức lại sản xuất ở khu vực nông nghiệp, nông thôn", đại biểu nêu quan điểm.

Cũng về FDI, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng cần hết sức lưu ý về 3 đặc khu kinh tế, bởi như dự án đường cao tốc Bắc-Nam hay nhà máy điện hạt nhân, về chủ trương thì không sai nhưng vấn đề là chúng ta có khả năng thực hiện, quản lý và làm cho dự án thành công hay không. “Dự án 3 đặc khu liên quan tới hàng vạn dân, liên quan tới những vùng "rừng vàng biển bạc", di sản thiên nhiên... Vậy chúng ta đã tính hết chưa? Nhiều quốc gia đã phải trả giá cho việc này, có nước không trả được nợ đã phải đem cược một cảng biển tới 99 năm", đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề.

Dự kiến vốn đầu tư cho 3 đặc khu kinh tế là 1,5 triệu ngàn tỷ đồng, trong đó Nhà nước gánh một phần, còn lại là đầu tư tư nhân. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, nếu không khéo léo chúng ta sẽ phải phụ thuộc họ, thậm chí bị họ kiện nếu sử dụng sai. “Chuyên gia nói đây là một sự đặt cược bởi thực tế việc xây dựng các đặc khu kinh tế trên thế giới cho thấy tỷ lệ thành công không cao và phụ thuộc vào năng lực quản lý. Trong thời đại công nghệ 4.0, ai nắm được công nghệ sẽ chi phối được thế giới. Vì vậy nếu được, tôi đề nghị Chính phủ ngay từ bây giờ có một số điều chỉnh để dự án 3 đặc khu này tăng tính hiệu quả, không bị lạc hậu", đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành tổ thảo luận 4.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thì cho rằng cần quan tâm hơn đến các doanh nghiệp trong nước. Phó chủ tịch Thường trực Tòng Thị Phóng đặt câu hỏi, so với việc “trải thảm đỏ” với doanh nghiệp nước ngoài thì việc quan tâm đến các doanh nghiệp trong nước liệu đã đủ độ chưa, từ chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, điện nước, môi trường đầu tư? “Làm sao để các doanh nghiệp trong nước vươn lên, trụ vững, ngang tầm với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay làm ăn được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngay trên “sân nhà”. Đây là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm”, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh (đoàn Ninh Bình) thì đánh giá cao việc tăng trưởng trong thời gian qua nhưng băn khoăn đến việc tăng trưởng cần đi liền với chất lượng tăng trưởng. Đại biểu phân tích: Những chỉ số nói lên chất lượng tăng trưởng chưa sâu. Các nước chỉ tăng trưởng 2-3% đã có sự thay đổi rất lớn về nền kinh tế, song nước ta tăng trưởng 6,7% nhưng sự chuyển dịch, thay đổi về “chất” trong đời sống của người dân lại chưa rõ rệt. Đại biểu đề nghị trong những năm tới, cần quan tâm nhiều hơn đến tốc độ tăng trưởng cần đi liền với chất lượng tăng trưởng, về quy mô, năng suất lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh phát biểu ý kiến.

Đại biểu cũng bày tỏ vui mừng về chỉ số 5% giảm nghèo, nhất là ở những huyện nghèo nhưng lại băn khoăn liệu con số này có chính xác hay không? "Với tiêu chí giảm nghèo đa chiều, vừa nâng lên thu nhập của cả thành thị và nông thôn, tiếp cận 5 nhóm dịch vụ về y tế, giáo dục, vệ sinh môi trường, trong khi các chỉ số về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... không cao lên bao nhiêu, thì tỷ lệ giảm nghèo ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không thể nhanh như thế được. Tôi e rằng đó là do yếu tố bệnh thành tích", đại biểu phân tích.

Tin, ảnh: NGUYỄN THẢO