Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Sản xuất trồng trọt giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp, thu hút sự tham gia của gần 70% nguồn lực lao động xã hội, đóng góp hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Năm 2017, giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp đạt 36,2 tỷ USD, trong đó lĩnh vực trồng trọt là 18,96 tỷ USD; có 7 trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực (hơn 1 tỷ USD) của ngành nông nghiệp thuộc lĩnh vực trồng trọt.

Tuy vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động trồng trọt ở nước ta đã xuất hiện những bất cập giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, hay tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của hội nhập quốc tế và hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan, đòi hỏi hỏi phải có những chính sách và biện pháp quản lý sản xuất trồng trọt phù hợp, ứng dụng công nghệ canh tác thông minh để thích ứng và giảm thiểu tác động cũng như đặt ra yêu cầu phải có sự thay đổi phù hợp trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, sau 14 năm thi hành Pháp lệnh giống cây trồng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trình bày báo cáo trước Quốc hội. 

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, việc xây dựng, trình ban hành Luật Trồng trọt là cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, đồng thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển trồng trọt, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.

Dự thảo Luật Trồng trọt trình ban hành gồm 7 Chương và 82 Điều, được rà soát, điều chỉnh, bổ sung và luật hóa những nội dung chưa được quy định hoặc quy định chưa phù hợp tại các văn bản luật, văn bản dưới luật để phù hợp với đặc thù của lĩnh vực trồng trọt.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, một điểm mới được bổ sung trong dự luật, đó là các nguyên tắc quản lý trong lĩnh vực trồng trọt bảo đảm phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng, phát triển thị trường quốc tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp, nhà nước và lợi ích cộng đồng.

Đáng chú ý, dự luật cũng bổ sung và luật hóa các chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư; hỗ trợ hoặc ưu đãi của Nhà nước cho các hoạt động cần ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phù hợp với yêu cầu phát triển trồng trọt trong giai đoạn mới, bao gồm chính sách bảo vệ chất lượng đất trồng trọt; phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chính xác, công nghệ thông tin trong trồng trọt, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu chọn, tạo giống cây trồng chất lượng, chống chịu sâu bệnh và thích ứng biến đổi khí hậu; bảo tồn nguồn gen cây trồng quý hiếm; xây dựng ngân hàng gen cây trồng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Đặc biệt, dự luật cũng điều chỉnh các quy định về quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và năng lực quản lý; giảm bớt thời gian, thủ tục hành chính và kinh phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho sản xuất và người sử dụng, tạo sự công bằng trong kinh doanh; từng bước tiêu chuẩn và quy chuẩn hóa các yêu cầu về chất lượng đối với giống cây trồng...

Thẩm tra dự án Luật Trồng trọt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng lưu ý đến vấn đề quản lý phân bón quy định trong dự thảo Luật. Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định quản lý phân bón như Dự thảo Luật, nghĩa là quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện sản xuất kinh doanh và được công nhận lưu hành.  Loại ý kiến thứ hai cho rằng, chỉ nên quản lý phân bón theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và điều kiện sản xuất, kinh doanh là đủ. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng phân bón nên không cần thiết phải thêm thủ tục công nhận lưu hành.

Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng phân tích: Hiện cả nước có trên 35.000 doanh nghiệp, đại lý và hộ gia đình sản xuất và kinh doanh phân bón, có 694 cơ sở sản xuất phân bón đủ điều kiện được phép hoạt động, 6.150 tên phân bón đang được lưu hành trên thị trường. Việc quản lý chất lượng phân bón hết sức phức tạp, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng vẫn còn xảy ra. Trong điều kiện nguồn nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành trồng trọt hạn chế thì việc quản lý, bảo đảm chất lượng phân bón trên thị trường là rất khó khăn. 

Do vậy, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, nhiều ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ nhất là cần phải quản lý điều kiện, quy trình kỹ thuật sản xuất, kinh doanh phân bón; các doanh nghiệp phải đăng ký công nhận lưu hành phân bón khi đáp ứng yêu cầu về chất lượng, về điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón để quản lý chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng, sản lượng phân bón trên thị trường. Đồng thời, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định quản lý đối với phân bón là các phụ phẩm trồng trọt (thân, lá cây, rơm rạ…), chất thải chăn nuôi đang được sử dụng làm phân bón hữu cơ trong nông hộ, trang trại vào Dự thảo Luật.

Về khảo nghiệm giống cây trồng, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, có nhiều ý kiến tán thành việc quy định chỉ khảo nghiệm đối với giống cây trồng chính như tại khoản 1 Điều 10 dự luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, không cần thiết phải quy định khảo nghiệm đối với giống cây trồng chính.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nhấn mạnh, giống cây trồng chính có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế nên cần phải quản lý chặt chẽ từ khâu giống để chất lượng sản phẩm trồng trọt được ổn định, tạo ra những sản phẩm chủ lực mang thương hiệu của Việt Nam. Khảo nghiệm là hoạt động nhằm đánh giá lại một số chỉ tiêu quan trọng của giống cây trồng trên thực địa. “Do tính đặc thù của giống cây trồng khác với hàng hóa thông thường nên nhiều chỉ tiêu khó có thể quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật được và rất khó hậu kiểm vì các đặc tính này chỉ thể hiện rõ thông qua khảo nghiệm. Vì vậy, quy định việc khảo nghiệm đối với giống cây trồng chính là cần thiết”, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng khẳng định.

THẢO NGUYÊN