Tại phiên chất vấn, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) cho biết, Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì xây dựng Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, trong đó, nhiệm vụ quan trọng là chú trọng truyền bá văn hóa Việt Nam; dạy tiếng Việt cho người nước ngoài ở Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài; xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài… Đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao làm rõ hơn kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ này, nêu rõ những vướng mắc và phương hướng giải quyết trong thời gian sắp tới.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: "Việc duy trì, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và tiếng Việt là một trong những trọng tâm của công tác ngoại giao văn hóa và công tác về người Việt Nam ở nước ngoài".

leftcenterrightdel

 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. 

Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã tích cực xây dựng đề án, chiến lược và cụ thể hóa bằng kế hoạch công tác của Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, như: Phối hợp với các địa phương ở nước ngoài tổ chức sự kiện Ngày Việt Nam, tuần phim, ẩm thực Việt Nam để quảng bá du lịch Việt Nam; thông qua các hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các sự kiện văn hóa ẩm thực Việt Nam; phối hợp thành lập các trung tâm nghiên cứu Việt Nam, văn hóa Việt Nam tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước sở tại; đưa sách vở, sản phẩm văn hóa Việt Nam vào các trường đại học, cơ sở nghiên cứu. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đều có góc trưng bày sản phẩm văn hóa tại trụ sở, nhất là các nơi đón tiếp khách nước ngoài.

Gần đây nhất, trong chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến Đại học Melbourne - nơi có chương trình nghiên cứu, tư vấn chính sách về Việt Nam.

Trong chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm Viện Chính sách Australia - Việt Nam tại Đại học RMIT (thành phố Melbourne, bang Victoria). Trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cắt băng khai trương khu phố Việt đầu tiên trên thế giới được chính quyền sở tại công nhận...

"Những sự kiện này tạo cảm hứng rất lớn cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về sự tự hào, lòng tự tôn dân tộc. Đây là những cách chúng ta sẽ làm để tôn vinh văn hóa Việt, dân tộc Việt", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, Đảng, Nhà nước cũng rất quan tâm đến việc dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài, đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp thực hiện. Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học để hỗ trợ hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài xây dựng các trường, lớp dạy tiếng Việt. “Có tiếng Việt mới duy trì, phát huy được văn hóa Việt”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ.

Trưởng ngành Ngoại giao cũng thông tin việc đã xây dựng giáo trình tiếng Việt dành riêng cho người Việt Nam ở nước ngoài và cung cấp tài liệu giảng dạy cho các cơ sở dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Theo thống kê, hiện nay có khoảng 200 cơ sở dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, tập trung ở các nước có đông kiều bào như: Campuchia, Lào, Thái Lan, Pháp, Đức, Nga, Séc, Canada, Hoa Kỳ… Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ hơn 70.000 sách giáo khoa tiếng Việt, sách dạy tiếng Việt và nhiều văn hóa phẩm tiếng Việt đi kèm để hỗ trợ cho các hội, đoàn người Việt Nam và các cơ sở dạy tiếng Việt ở nước ngoài; xây dựng 2 tủ sách tiêu chuẩn phục vụ cộng đồng người Việt tại Hungary và Fukukowa (Nhật Bản)… Từ năm 2013 đến nay, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 9 khóa tập huấn, giảng dạy cho giáo viên là người Việt Nam ở nước ngoài.

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn người Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức dạy tiếng Việt, vận động chính quyền các nước hỗ trợ các cơ sở dạy tiếng Việt của kiều bào ta; đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục sở tại với hình thức phù hợp với cấp học; hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, sách giáo khoa, tài liệu, nhất là đối với địa bàn có đông người Việt Nam; có cơ chế phối hợp hiệu quả với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong tổ chức triển khai các đề án liên quan đến dạy tiếng Việt ở nước ngoài.

Cùng quan tâm đến công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đề nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết giải pháp đột phá để tăng cường hoạt động kết nối các mạng lưới tri thức toàn cầu người Việt Nam theo từng nhóm lĩnh vực thiết yếu và chế độ đãi ngộ xứng đáng cho tri thức là người Việt Nam có đóng góp thiết thực cho Tổ quốc.

Về vấn đề chuyên gia, trí thức kiều bào ở nước ngoài, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ, đây là đội ngũ lớn, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Ngoại giao đã cùng các bộ, ngành địa phương tìm các giải pháp để tổ chức mạng lưới tri thức kiều bào, vận động lập hội tri thức khoa học công nghệ; kết nối cộng đồng tri thức bằng các diễn đàn để cộng đồng này có thể đóng góp tri thức, nguồn lực vào quá trình phát triển đất nước.

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.