Cân nhắc yêu cầu đổi thẻ căn cước khi thay đổi đơn vị hành chính

Thảo luận về dự án Luật Căn cước, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đề nghị bỏ quy định về trường hợp cần cấp đổi thẻ căn cước khi điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính. Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, hiện nay đang triển khai rà soát để xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Số lượng đơn vị hành chính sắp xếp rất lớn, nếu bổ sung quy định cấp đổi thẻ căn cước khi thay đổi đơn vị hành chính sẽ dẫn đến số lượng người cần cấp đổi thẻ căn cước rất nhiều, tạo gánh nặng chi phí lớn, chưa kể chi phí thời gian, công sức đi lại và phát sinh khác với người dân.

Bên cạnh đó còn tạo gánh nặng, áp lực không nhỏ cho các cơ quan địa phương, trong khi bản thân việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng làm tăng khối lượng công việc thường xuyên của các cơ quan này. Điều này có thể dẫn đến làm chậm trễ, gây phiền hà cho người dân, làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính Nhà nước.

leftcenterrightdel

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) đề nghị xem xét việc đổi thẻ căn cước khi thay đổi đơn vị hành chính. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, việc miễn lệ phí cấp đổi thẻ căn cước cho công dân như quy định thì chi phí này sẽ do Nhà nước bỏ ra. Theo ước tính của đại biểu, đơn vị hành chính cấp xã quy mô vừa, khoảng 5.000 dân, riêng tiền lệ phí đổi thẻ căn cước sẽ là 250 triệu đồng, với đơn vị cấp huyện quy mô vừa, khoảng 100.000 dân, chi phí bỏ ra là 5 tỷ đồng. Chưa kể với đơn vị hành chính quy mô dân số lớn thì chi phí bỏ ra là không nhỏ. Đại biểu Nguyễn Phương Thủy đề nghị cân nhắc quy định này để tránh lãng phí, tạo thêm gánh nặng không cần thiết cho bộ máy hành chính.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) nêu vấn đề, khi thay đổi đơn vị hành chính cần cấp đổi lại thẻ căn cước vì nếu không sửa sẽ gây ra rắc rối cho chính người dân. Đại biểu dẫn ví dụ như thông tin về nơi sinh trong hộ chiếu, do không đưa vào nên ảnh hưởng đến chính người dân khi làm thủ tục liên quan, sau đó phải sửa lại.

Không được và không thể theo dõi thẻ căn cước gắn chip

Phát biểu làm rõ một số vấn đề tại phiên thảo luận về dự án Luật Căn cước, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, việc xây dựng dự án Luật Căn cước có ý nghĩa quan trọng và cần thiết để thực hiện nhiệm vụ tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) của Đại hội Đảng khóa XIII đề ra là đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ cơ quan Nhà nước một cách tập trung, thông suốt, thiết kế đồng bộ, tích hợp liên thông giữa các dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục, bảo hiểm, đất đai, nhà ở… phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, dự án luật này không chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về căn cước, yêu cầu mục tiêu về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân mà còn có ý nghĩa cho việc phát huy giá trị cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước, giá trị, tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử.

leftcenterrightdel
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Căn cước. Ảnh: TRỌNG HẢI

Dự thảo luật đã được rà soát, chỉnh lý kỹ lưỡng trên một số vấn đề như giải thích từ ngữ, quyền và nghĩa vụ của công dân, của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về căn cước, các hành vi bị nghiêm cấm; thu thập, cập nhật, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin…

Qua thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật. Có đại biểu có ý kiến, chia sẻ băn khoăn của người dân về việc khi sử dụng thẻ căn cước gắn chip, có mã QR code thì có bị theo dõi không.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an và bất cứ cơ quan, tổ chức nào không được theo dõi và không thể theo dõi khi công dân sử dụng thẻ căn cước có gắn chip điện tử, có mã QR code. Đồng thời, Bộ Công an có trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh về con người, công dân để những người sử dụng thẻ căn cước không bị theo dõi bởi bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, không thể lợi dụng được việc sử dụng thẻ căn cước, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn về dữ liệu công dân đã khai báo, được tích hợp vào thẻ.

MẠNH HƯNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.