Trước khi thảo luận, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một trong những nội dung đáng chú ý là về đối tượng chịu thuế là điều hòa nhiệt độ và việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế.

Điều hòa công suất từ 18.000 BTU trở lên vẫn phải chịu thuế

Về điều hòa nhiệt độ, hiện nay nhu cầu sử dụng điều hòa đã trở nên phổ biến để đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ để chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (không thu thuế với máy điều hòa có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU).

 Quang cảnh phiên họp.

Về việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, vì mặt hàng này mới được bổ sung vào đối tượng chịu thuế nên cần có lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển đổi sang các sản phẩm có hàm lượng đường thấp. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của cơ quan soạn thảo xin được chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình thực hiện: Từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%.

Lộ trình điều chỉnh thuế đối với mặt hàng rượu, bia, thuốc lá cũng là điểm đáng chú ý. Dự thảo mới lựa chọn phương án với mức thuế thấp hơn và lộ trình giãn dần nhằm bảo đảm sự ổn định của thị trường và hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, dự thảo luật quy định với rượu trên 20 độ và bia, mức thuế suất được đề xuất tăng theo từng năm, năm 2026 là 65%, mỗi năm sau tăng 5%; từ năm 2027 đến 2031, mức thuế suất cho mặt hàng này sẽ tăng từ 70% đến 90%.

Đại biểu đề xuất không thu thuế với điều hòa nhiệt độ

Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng điều hòa nhiệt độ nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, mục tiêu của việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế sử dụng mặt hàng xa xỉ hoặc có hại. Vì vậy, việc đánh thuế mặt hàng điều hòa mang tính chất đánh vào người tiêu dùng phổ thông, không đúng tinh thần đánh vào hàng xa xỉ hoặc có hại. Thêm nữa, quy định hiện hành còn bất cập khi điều hòa công suất lớn trên 90.000 BTU lại không chịu thuế, trong khi điều hòa nhỏ cho hộ gia đình lại chịu thuế 10%, dẫn đến thiếu công bằng.

Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) phát biểu thảo luận. 

Do đó ông Khải đề nghị cần loại bỏ điều hòa nhiệt độ dân dụng (dưới 90.000 BTU) ra khỏi danh mục chịu thuế, trường hợp cần thiết chỉ nên áp thuế với các điều hòa công suất cực lớn và cần đánh giá kỹ hiệu quả.

Từ thực tế đời sống, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) nhấn mạnh điều hòa là mặt hàng phổ biến, dần trở thành thiết yếu trong đời sống của người dân. Mặt khác, đây không phải là mặt hàng xa xỉ, nên ông kiến nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng điều hòa.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đề nghị cân nhắc việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng điều hòa. Theo ông, không nên căn cứ theo mức công suất để áp thuế, có thể xem xét để không thu thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này.

VŨ DUNG - TRỌNG HẢI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.