Chung một nhiệm vụ…

Ở Nhật Bản và Việt Nam, lực lượng thực thi pháp luật trên biển có vai trò quan trọng trong tìm kiếm cứu hộ tàu gặp nạn và hỗ trợ ngư dân. Do vậy, một trong những nội dung mà hai bên tiến hành luyện tập chung chính là lai dắt tàu bị nạn.

Địa điểm diễn tập là Căn cứ phòng, chống thiên tai, hàng hải Yokohama với tình huống giả định: Tàu cứu hỏa Hiryu của LLBVBB Nhật Bản thực hành lai dắt, cứu kéo tàu bị nạn trên biển. Theo sự chỉ huy của Thuyền trưởng tàu Hiryu, các nhân viên cứu hộ Nhật Bản sử dụng dây lai dắt chuyên dụng có đường kính 44mm, dài 35m, xếp đều thành từng dải nhỏ trên mặt boong tàu, sau đó dùng súng bắn hơi dạng khí bắn dây mồi sang tàu bị nạn đang ở vị trí cách tàu khoảng 150m. Từ tàu bị nạn, các thủy thủ bắt được dây mồi, sau đó nối kỹ thuật với dây của tàu mình, dùng hộp nhựa màu vàng để đánh dấu mối nối trước khi thả xuống biển. Khi vớt được dây của tàu bị nạn, nhân viên cứu hộ nhanh chóng tiến hành nối với dây lai dắt chuyên dụng trước khi thực hiện kỹ thuật lai dắt tàu bị nạn. Trong khi diễn tập, các nhân viên Nhật Bản giải thích cặn kẽ, chi tiết từng thao tác, khiến những người có mặt tại đó trầm trồ khen ngợi sự chuẩn bị chu đáo cũng như tính chuyên nghiệp của phía bạn. 

Theo Đại úy Phạm Văn Chuyền, Thuyền trưởng Tàu CSB 8002, các kỹ thuật lai dắt tàu bị nạn của Nhật Bản cơ bản giống với ở Việt Nam, đáp ứng nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, thông qua buổi luyện tập chung này, cán bộ, chiến sĩ Tàu CSB 8002 còn học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm của bạn, nhất từ những chi tiết nhỏ, như hộp đánh dấu mối nối.

Nhân viên lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản thực hiện các bước lai dắt tàu bị nạn.

Về phía LLBVBB Nhật Bản, sau khi tham quan đài chỉ huy Tàu CSB 8002, Thiếu tướng Shimaya Kunihiro, Phó tư lệnh Vùng 3 LLBVBB Nhật Bản và nhiều sĩ quan Nhật Bản phải thốt lên rằng, tàu CSB Việt Nam rất hiện đại và tiện nghi. Cán bộ, chiến sĩ CSB Việt Nam rất cừ khôi khi vượt qua một chặng đường dài đầy sóng gió.

…nhiều nét tương đồng

Trong cuộc gặp gỡ với cán bộ, chiến sĩ Tàu CSB 8002, Trung tướng Myazaki Kazumi, Tư lệnh Vùng 3 LLBVBB Nhật Bản nhấn mạnh: Nhật Bản và Việt Nam tuy cách xa về mặt địa lý nhưng lại có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa. Trung tướng Myazaki Kazumi cho biết, hiện nay có rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Nhật Bản; người Nhật sang Việt Nam cũng ngày một tăng. Điều đó cho thấy giao lưu giữa người dân hai nước ngày càng nhộn nhịp. Đặc biệt, Trung tướng Myazaki Kazumi rất ấn tượng với ẩm thực Việt Nam mà ông có dịp thưởng thức ngay tại mảnh đất Yokohama này.

Món ngon mà Trung tướng Myazaki Kazumi nhắc tới chính là món nem được các đầu bếp của Tàu CSB 8002 chế biến trong tiệc chiêu đãi tối 4-12 ngay trên Tàu CSB 8002. Một bữa tiệc gây ấn tượng cho những người bạn Nhật Bản, không chỉ bởi tấm lòng hiếu khách của người Việt Nam mà còn là tình hữu nghị giữa hai dân tộc Nhật-Việt. Theo anh Myo thuộc LLBVBB Nhật Bản, không có giới hạn giữa chủ nhà và khách, vượt qua rào cản ngôn ngữ, bữa tiệc là cơ hội để các nhân viên Nhật Bản hiểu hơn về con người, đất nước và văn hóa ẩm thực của Việt Nam.

Những người có mặt tại buổi tiệc vô cùng xúc động khi những vị khách Nhật Bản hát vang bài “Sải cánh vươn xa”-bài hát truyền thống của LLBVBB Nhật Bản. Nhịp điệu bài hát rất nhẹ nhàng nhưng truyền tải thông điệp đầy sức mạnh của lực lượng thực thi pháp luật trên biển Nhật Bản. Theo Trung tướng Myazaki Kazumi, thông qua bài hát này, LLBVBB Nhật Bản mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để cùng sải cánh vươn xa làm tốt nhiệm vụ quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên vùng biển của mỗi nước.

Sáng 6-12, Tàu CSB 8002 hú hồi còi chào cảng Yokohama, kết thúc chuyến thăm Nhật Bản trong sự chia tay lưu luyến của các sĩ quan, nhân viên LLBVBB Nhật Bản và người dân đất nước Mặt trời mọc. Với chuyến thăm này, Tàu CSB 8002 đã hoàn thành tốt một trong những nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng năm 2019, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa CSB Việt Nam và LLBVBB Nhật Bản trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị vì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, vì lợi ích của hai đất nước Việt Nam và Nhật Bản.

Bài và ảnh: LINH OANH