Chuyến thăm ghi dấu mốc quan trọng góp phần thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng CSB Việt Nam và LLBVBB Nhật Bản nói riêng, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản nói chung ngày càng phát triển.
Sự chuẩn bị chu đáo từ hai phía
Yokohama là thủ phủ của tỉnh Kanagawa, nằm ở phía tây nam thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Nơi đây là cảng biển lớn nhất Nhật Bản và là một trong những trung tâm thương mại của khu vực thủ đô Tokyo. Theo lịch sử Nhật Bản, Yokohama trước đây chỉ là một làng chài nhỏ vào thời Edo, nhưng đến năm 1853-1854, Hoa Kỳ buộc Nhật Bản phải thông thương. Nhật Bản quyết định xây dựng cảng tại Yokohama. Năm 1859, cảng Yokohama bắt đầu đi vào hoạt động và trở thành cửa ngõ của Nhật Bản ra thế giới. Cảng Yokohama hiện nay là nơi có trụ sở chính của Vùng 3 LLBVBB Nhật Bản.
 |
Thượng tá Trần Xuân Lương trao quà lưu niệm tặng Trung tướng Myazaki Kazumi, Tư lệnh Vùng 3 Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản. |
Việc Tàu CSB 8002 cập cảng Yokohama lần này tạo dấu ấn đặc biệt khi đây là lần đầu tiên tàu CSB của Việt Nam tới thăm. Vì lẽ đó mà cả CSB Việt Nam và LLBVBB Nhật Bản đều có sự chuẩn bị chu đáo cho chuyến thăm này. Đối với CSB Việt Nam, bảo đảm an toàn cho cả hành trình đi và về với tổng quãng đường dài gần 4.400 hải lý, vượt qua vùng biển Việt Nam, vùng biển đông nam Trung Quốc để tới biển Nhật Bản và vịnh Tokyo, nhất là trong điều kiện sóng to gió lớn là thử thách rất lớn. Do vậy, Tàu CSB 8002 đã chuẩn bị chu đáo về trang thiết bị, hậu cần, thực phẩm đầy đủ cho 80 thành viên trong đoàn công tác trong suốt hành trình, công tác cho luyện tập chung lai dắt tàu bị nạn, chuẩn bị nguyên liệu thực phẩm tổ chức tiệc chiêu đãi diễn ra vào tối 4-12. “Nghe đơn giản nhưng đây là thách thức lớn với các đầu bếp trên Tàu CSB 8002 do thời gian đi biển dài ngày, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vô cùng khó khăn”, Thượng tá Trần Xuân Lương chia sẻ.
Đối với LLBVBB Nhật Bản, ngoài việc bảo đảm cho tàu CSB Việt Nam cập cảng và rời cảng an toàn, phía bạn còn chuẩn bị chi tiết, chu đáo cho lịch trình hoạt động thăm và giao lưu giữa hai lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam và Nhật Bản, như: Thăm các cơ quan, đơn vị của LLBVBB Nhật Bản; luyện tập phương án tìm kiếm cứu nạn và trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển.
Dấu ấn của sự phát triển quan hệ song phương
Vượt qua hành trình gần 2.200 hải lý, ngày 2-12, Tàu CSB 8002 cập cảng Yokohama trong một ngày mưa tầm tã, dù trước và sau đó nắng trải vàng trên khắp thành phố cảng xinh đẹp này. Do vậy, lễ đón Tàu 8002 cũng diễn ra đặc biệt, không ở ngay cầu cảng như những lần khác mà tại một căn phòng rộng cả nghìn mét vuông trong tòa nhà của LLBVBB Nhật Bản. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, ấm áp với sự có mặt của Thiếu tướng Phạm Kim Hậu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng CSB Việt Nam và Thiếu tướng Shimatani Kunihiro, Phó tư lệnh Vùng 3 LLBVBB Nhật Bản. Trong lời phát biểu tại buổi lễ, Chánh Văn phòng LLBVBB Nhật Bản nhấn mạnh, chuyến thăm cảng Yokohama đầu tiên của tàu CSB Việt Nam là sự kiện ghi dấu cho sự phát triển mối quan hệ giữa hai lực lượng kể từ khi CSB Việt Nam và LLBVBB Nhật Bản ký bản ghi nhớ hợp tác năm 2015.
 |
Lễ đón Tàu CSB 8002 diễn ra ở một căn phòng rất rộng nằm trong tòa nhà làm việc của Vùng 3 Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản. |
Trong các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Vùng CSB 2, Bộ tư lệnh CSB Việt Nam với lãnh đạo Vùng 3 LLBVBB Nhật Bản, hai bên đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ trong suốt 4 năm qua, như: Duy trì tốt các chuyến thăm cấp cao, tổ chức các hội nghị song phương, trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển... Trong thời gian tới, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục tổ chức các chương trình trao đổi kinh nghiệm và trao đổi đoàn các cấp; tổ chức hội nghị song phương hằng năm; thực hiện hiệu quả các dự án hợp tác kỹ thuật giai đoạn 2020-2022 về đào tạo, huấn luyện...
Trung tướng Myazaki Kazumi, Tư lệnh Vùng 3 LLBVBB Nhật Bản bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác song phương ngày càng hiệu quả, thiết thực các hoạt động thực thi pháp luật trên biển, góp phần thúc đẩy an ninh, an toàn và tự do hàng hải, vì hòa bình, ổn định và phát triển của hai quốc gia cũng như trong khu vực và trên thế giới.
(còn nữa)
Bài và ảnh: LINH OANH