Triển vọng tươi sáng hơn bao giờ hết

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, nhìn lại ba thập kỷ qua, chúng ta có thể tự hào về sự chuyển mình của châu Á – Thái Bình Dương, trở thành một khu vực hòa bình và một động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Đây là khu vực  duy nhất chưa từng trải qua bất cứ một xung đột nóng nào kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Trong khi vào những năm 1980, khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm hơn 40% GDP toàn cầu thì ngày nay, con số này đã tăng lên trên 50%. Hơn một tỷ người trong khu vực đã thoát khỏi cảnh nghèo cùng cực. Là nơi hội tụ các công nghệ mới, lực lượng lao động có tay nghề và tầng lớp trung lưu phát triển mạnh mẽ, tỉ trọng của khu vực trong GDP toàn cầu dự báo sẽ tăng lên gần 70% vào năm 2050. 10 trong số 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.

leftcenterrightdel
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Trọng Hải.
“Hướng tới tương lai, trọng tâm kinh tế thế giới tiếp tục chuyển dịch về châu Á – Thái Bình Dương; các nền kinh tế mới nổi trong khu vực được dự báo sẽ tiếp tục là động lực của tăng trưởng khu vực và toàn cầu. Triển vọng khu vực chúng ta tươi sáng hơn bao giờ hết. Đây là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Khu vực này là minh chứng cho thịnh vượng chung có thể đạt được thông qua liên kết và hợp tác kinh tế sâu rộng hơn, cũng như tự do hóa thương mại và đầu tư. Vì vậy, dự báo thế kỷ 21 là “thế kỷ của châu Á – Thái Bình Dương” không phải là nói quá”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Ba “nhóm” thách thức

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nêu rõ triển vọng của khu vực còn phụ thuộc vào hiệu quả xử lý ba “nhóm” thách thức mà khu vực hiện đang đối mặt, cả về ngắn hạn và dài hạn. Một là năng suất trì trệ, bất bình đẳng gia tăng trong từng nền kinh tế và giữa các nền kinh tế; các thách thức dân số, bao gồm cả già hóa dân số,  vấn đề đói nghèo, đô thị hóa, các tác động chưa từng có của biến đổi khí hậu. Hai là mức độ sẵn sàng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Gần hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI đã chứng kiến những thay đổi to lớn về công nghệ, làm thay đổi bản chất của việc làm, chuyển đổi xã hội cũng như cách thức liên hệ và tương tác với nhau. Ba là những rủi ro tiềm ẩn của xung đột địa chính trị và thiếu một cơ chế quản trị khu vực có khả năng thích ứng. Môi trường khu vực đang trải qua những chuyển biến phức tạp và cơ bản. Bên cạnh đó cũng nổi lên các vấn đề an ninh mới, như các hệ lụy của các công nghệ mới xuất hiện, khả năng mạng dễ tổn thương và quản lý tài nguyên…

Bày tỏ kỳ vọng các nền kinh tế thành viên APEC sẽ xây dựng một Cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, năng động, tự cường, bao trùm, kết nối và liên kết toàn diện, tạo cơ hội và sự tham gia bình đẳng cho tất cả mọi người, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng động lực của kinh tế khu vực phải đến từ tăng trưởng có chất lượng, bền vững, sáng tạo và bao trùm, kết nối và liên kết kinh tế sâu rộng. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thương mại và đầu tư tự do và mở, các hiệp định thương mại khu vực, các hiệp định tự do thương mại (RTAs/FTAs), hướng tới việc hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh chung - Ảnh: Trọng Hải. 
Trong bối cảnh môi trường toàn cầu ngày càng bất định và mong manh, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng hơn lúc nào hết, châu Á-Thái Bình Dương cần một cấu trúc khu vực minh bạch, mở, dựa trên luật pháp, có tính xây dựng và có khả năng thích ứng. “Cấu trúc đó cần có khả năng bảo đảm sự bổ trợ giữa các tầng nấc hợp tác đa tầng nấc và quản trị khu vực hiệu quả. Cấu trúc đó cũng cần tính đến và hài hòa lợi ích của tất cả các bên liên quan trong và ngoài khu vực. Bài học ba thập kỷ vừa qua là không có tầm nhìn hoặc chiến lược nào có thể được thực hiện nếu không có hòa bình và an ninh. Hòa bình và tăng trưởng cùng liên kết kinh tế luôn đồng hành với nhau”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.

Vai trò của MSMEs

Với tư cách là chủ nhà, Việt Nam đã đưa ra đề xuất Năm APEC 2017 tập trung vào 4 hướng ưu tiên cụ thể, bao gồm: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs) trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 24 của PECC này, hướng ưu tiên thứ nhất và thứ ba đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự là đại diện của các doanh nghiệp, chính phủ và giới học giả.

Theo Đại sứ Donald Campbell, đồng Chủ tịch PECC, mặc dù khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế khu vực và thế giới, sự tăng trưởng đó chưa “bao trùm”. Nói cách khác là khoảng cách giàu-nghèo vẫn còn lớn. “Trong thời gian qua chúng ta đã chứng kiến sự trỗi dậy của xu hướng bảo hộ, chống toàn cầu hóa ở một số nơi. Thực ra, đối với sự bất mãn với toàn cầu hóa, chúng ta cần phải quay trở lại vấn đề tăng trưởng bao trùm. Tại một số nước, còn nhiều người dân bị bỏ lại phía sau, không được thừa hưởng lợi ích của tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, tăng trưởng bao trùm, bảo đảm tất cả mọi người trong xã hội đều được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế, là rất quan trọng. Bên cạnh đó, trong thế kỷ 21 này, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu bắt buộc chúng ta phải tăng trưởng bền vững”, Đại sứ Donald Campbell nhận xét.

Chia sẻ quan điểm của mình, GS Gary Hawke, nghiên cứu viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Kinh tế New Zealand,  cho rằng nhiệm vụ đặt ra hiện nay đối với APEC là bảo đảm tăng trưởng bao trùm và sáng tạo, đồng thời tăng trưởng bao trùm phải đi đối với tăng trưởng sáng tạo. GS Gary Hawke cho rằng đổi mới, sáng tạo là nguồn gốc chính cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng sống. Trong khi đó, đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tăng trưởng bao trùm tiếp tục liên quan đến vấn đề thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. “Trong nền kinh tế hiện đại, đòi hỏi chúng ta phải biết tận dụng thay vì kìm hãm mạng lưới sản xuất toàn cầu và phải từ bỏ lối tư duy cũ. Bảo đảm tăng trưởng bao trùm và sáng tạo bắt đầu bằng việc dám điều chỉnh để thay đổi”, GS Gary Hawke chia sẻ.

Trong khi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được tăng trưởng sáng tạo, GS Gary Hawke cho rằng các nền kinh tế thành viên APEC phải chú trọng tới vai trò của MSMEs đối với mục tiêu này. “Những gì mà MSMEs làm được thì quan trọng hơn nhiều so với quy mô sản xuất tương đối của họ. Những doanh nghiệp nào tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu thì thường có xu hướng sáng tạo hơn các doanh nghiệp khác”, GS Gary Hawke nhận xét.

Cùng chung quan điểm với GS Gary Hawke, TS Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp của Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đã đưa ra những số liệu cụ thể khẳng định vai trò không thể thiếu của MSMEs đối với các nền kinh tế thành viên APEC. Cụ thể là MSMEs chiếm tỉ lệ lớn nhất, tới khoảng 97% trong số các doanh nghiệp, đóng góp 60% GDP và tạo ra 60% công ăn việc làm tại các nền kinh tế thành viên APEC. “Vì lẽ đó, mục tiêu của APEC là phải bảo đảm MSMEs đủ khả năng tận dụng được các cơ hội do quá trình toàn cầu hóa mang lại”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Trong bối cảnh MSMEs phải đối mặt với nhiều thách thức, từ khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng tiếp cận các nguồn tài chính, đến các rủi ro về công nghệ, pháp lý, để nâng cao sức cạnh tranh của MSMEs, TS Cấn Văn Lực cho rằng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng cường hợp tác và kết nối giữa MSMEs  với các doanh nghiệp khác chính là những giải pháp hợp lý đối với các nền kinh tế thành viên APEC. “MSMEs là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Cải thiện môi trường kinh doanh cho MSMEs có thể thực hiện bằng cách tạo sân chơi bình đẳng, nhất là giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước; khuyến khích đổi mới và sáng tạo ở mọi cấp; phát huy vai trò của các hiệp hội, diễn đàn doanh nghiệp. Đối với nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ phát triển  các kỹ năng công nghệ số cho người lao động. Ngoài ra, cần tăng cường quan hệ giữa MSMEs với các doanh nghiệp lớn, đối tác công –tư (PPP), đẩy mạnh mạng lưới hợp tác với các nhà đầu tư, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, khuyến khích khởi nghiệp”, TS Cấn Văn Lực nêu rõ.

TS Wang Zhenyu, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương của Trung Quốc

Lạc quan về kinh tế châu Á – Thái Bình Dương

"Tôi hoàn toàn lạc quan rằng trong 5-10 năm tới, châu Á-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực và thế giới. Hầu hết các nền kinh tế thành viên vẫn cam kết “mở”, đây chính là hứa hẹn cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Để đối phó với xu hướng chống toàn cầu hóa, theo tôi, các nền kinh tế thành viên APEC cần thực hiện một số bước đi. Một là thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp quốc. Hai là chú trọng tăng trưởng bao trùm, cân đối và bền vững. Ba là đẩy mạnh cải cách cấu trúc. Bốn là tăng cường hợp tác, chia sẻ quan điểm giữa chính phủ, doanh nghiệp và giới học giả".

HOÀNG VŨ