QĐND - “Tập trung ưu tiên cả nhân lực, vật lực vào tổ chức thi đua đột kích theo từng đợt tiếp nhận, trung chuyển ô tô, xe máy và vật tư xe máy; lấy đó làm động lực chủ yếu cho việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị là cách làm mới, khá sáng tạo của Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 384”– Thiếu tướng Trần Hùng Nam, Cục trưởng Cục Xe-Máy (Tổng cục Kỹ thuật) đánh giá như vậy.  

Không thi đua dàn trải

Có mặt tại Đoàn 384 khi đơn vị đang chuẩn bị báo cáo về cách làm này tại Đại hội Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2009 - 2012 của Cục Xe-Máy; chúng tôi hỏi Thượng tá Lê Văn Thịnh, Đoàn trưởng:

- Vì sao Đoàn 384 lấy thi đua theo đợt là chủ yếu, trong khi quan niệm phổ biến hiện nay là thi đua phải toàn diện?

- Nhiệm vụ chủ yếu của Đoàn là tiếp nhận, trung chuyển xe máy từ các cảng, cửa khẩu ở Hải Phòng, Lạng Sơn… về nhập các kho thuộc Cục Xe-Máy; tiếp nhận, trung chuyển vật tư, xe máy cho các đơn vị phía Nam và thu hồi xe máy cấp 5. Hoàn thành tốt các đợt tiếp nhận, trung chuyển là yếu tố quyết định đến hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Chúng tôi coi trọng tổ chức thi đua theo đợt là vì lẽ đó.

Theo đánh giá của anh Thịnh, ưu điểm đầu tiên của việc coi trọng tổ chức thi đua đột kích theo đợt là mọi cán bộ, chiến sĩ đều hào hứng đăng ký tham gia, không có cảm giác nặng nề “việc gì cũng thi đua, lúc nào cũng thi đua”. Một năm cũng chỉ có mấy đợt làm nhiệm vụ trọng điểm, nên đơn vị tập trung làm tốt công tác giáo dục, quán triệt nhiệm vụ.

Tiếp nhận, trung chuyển ô tô, xe máy từ các cửa khẩu, cảng về các kho chiến lược là nhiệm vụ không hề dễ dàng trong điều kiện giao thông phức tạp hiện nay. Khả năng mất an toàn giao thông, đoàn xe bị đứt đoạn, không bảo đảm đội hình hành quân, xe mới nhập dễ bị trục trặc, lái xe dễ có tư tưởng tự do, thiếu kỷ luật, đổ lỗi cho khách quan… là những vấn đề thường xảy ra. Tuy nhiên, điều này đã được Đoàn 384 khắc phục triệt để nhờ có sự tập trung lãnh đạo, chỉ huy cũng như việc phát động thi đua đột kích đã “đánh thức” tinh thần kỷ luật, tự giác của mỗi quân nhân. 

Thượng tá Lê Văn Thịnh tham gia sửa chữa cùng lái xe. 

Thủ trưởng cũng thi đua

- Đơn vị nhận nhiệm vụ trung chuyển 130 xe ô tô từ Lạng Sơn về Hà Nội, xe CA-1097 bị hỏng hệ thống li hợp, nghĩa là chỉ còn đi được một số, đòi hỏi “trình” của lái xe phải rất cao. Chính Thượng tá Lê Văn Thịnh đứng ra nhận lái chiếc xe đó về đích an toàn khiến anh em vừa khâm phục, vừa có thêm động lực vì Đoàn trưởng trực tiếp thi đua cùng bộ đội – Thiếu tá, QNCN Nguyễn Quang Hưng vui vẻ kể với chúng tôi về lần “thi lái” cùng thủ trưởng đơn vị.

Thượng tá Nguyễn Đức Hùng, Chính trị viên Đoàn 384 cho biết: Với đặc thù của đơn vị xe-máy, người thủ trưởng phải “vừa là thầy, vừa là thợ cả” thì mới có uy tín thực sự. Trong tổ chức thi đua đột kích, việc chỉ huy trực tiếp thi đua cùng bộ đội là biện pháp cổ vũ, động viên phong trào rất hiệu quả. Bộ đội luôn có động lực thi đua rất mạnh mẽ khi thấy thủ trưởng cùng “xông” vào đảm nhận khâu yếu, việc khó. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi người chỉ huy phải rất giỏi chuyên môn kỹ thuật, có bản lĩnh, kinh nghiệm cao. 

- Có lần, đơn vị bạn làm nhiệm vụ trung chuyển 7 chiếc xe nghi lễ từ Hà Nội vào phía Nam, nhưng đến Đà Nẵng thì xảy ra sự cố và đã báo cáo với Thủ trưởng Bộ là không thể xử lý được. Đoàn 384 nhận lệnh của trên, cử những đồng chí cán bộ, QNCN có trình độ cao vào tiếp nhận, củng cố lại đội hình, đưa đoàn xe về đích an toàn trong sự khâm phục của đơn vị bạn. Một nhiệm vụ đột xuất như thế, nhưng nhờ khéo tổ chức, chúng tôi đã làm tăng uy tín và có tác dụng cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị  – Thượng tá Lê Văn Thịnh cho hay. 

Tập trung trí tuệ làm nảy sinh sáng kiến

Vấn đề đặt ra đối với Đoàn 384 khi tổ chức thi đua là trình độ, kinh nghiệm không đồng đều của đội ngũ lái xe.

- Khi đội ngũ đã không đều thì thi đua khó thực chất, những anh non tay lái chưa thi đua đã biết mình sẽ “đuối” thì làm sao có động lực thi đua cho tốt được? – Chúng tôi hỏi Thiếu tá Phùng Văn Dũng, Phân đội trưởng Phân đội 2.

- Thi đua đột kích theo đợt nên chúng tôi có điều kiện tập trung trí tuệ, dân chủ bàn bạc cách tổ chức sao cho hiệu quả. Chính từ những lần bàn bạc như thế, sáng kiến về “cặp đôi cùng tiến” ra đời.

“Cặp đôi cùng tiến” là mô hình tổ chức thi đua của các phân đội thuộc Đoàn 384. Mỗi đợt thi đua, các phân đội phân công theo cặp, cứ một lái xe có kinh nghiệm kèm cặp một lái xe non kinh nghiệm. Cách “chia đội hình” đồng đều như vậy không chỉ khiến các “cặp đôi” ra sức thi đua, mà người có kinh nghiệm cũng ráng sức truyền kinh nghiệm cho người còn lại, cả hai cùng nhau trao đổi, xử lý các sự cố trên đường, giữ cự ly xe hợp lý để vừa bảo đảm kỷ luật hành quân cũng như các yếu tố kỹ thuật khác. Từ mô hình “cặp đôi” này, Đoàn 384 đã có sáng kiến sử dụng đội ngũ lái xe trình độ cao trực tiếp bổ túc tay lái cho đội ngũ lái xe vừa về đơn vị. Cách làm này tiết kiệm hàng nghìn lít xăng huấn luyện.

Nhờ có thi đua và biết cách tổ chức thi đua nên từ năm 2009 đến nay, Đoàn 384 không những hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch được giao, mà còn bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Bài và ảnh: Nguyễn Hồng