Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, Chính phủ thấy rằng việc sửa đổi Luật Chứng khoán ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình tóm tắt dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội.

Việc sửa đổi Luật Chứng khoán nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, trong đó có việc phát triển thị trường vốn và thị trường chứng khoán; đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, trong đó có cải cách thể chế, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch. Đồng thời, nhằm tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các Hiệp định thương mại thế hệ mới.

Việc sửa đổi Luật cũng nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 10 năm thi hành Luật Chứng khoán và bảo đảm thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghệ 4.0.

Theo đánh giá của Chính phủ, bên cạnh những kết quả tích cực như quy mô thị trường chứng khoán ngày càng phát triển, thị trường chứng khoán đã trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán ngày càng được nâng cao, song thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành cho thấy Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Nội dung một số điều khoản của Luật hiện hành chưa đủ rõ ràng, cụ thể còn dẫn đến cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong áp dụng; một số điều khoản không còn hợp lý, không còn phù hợp với thực tiễn hoặc đòi hỏi cần phải thể chế hóa bằng Luật; một số điều khoản chưa tương thích với thông lệ quốc tế, chưa phù hợp với yêu cầu và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với đó một số quy định của Luật Chứng khoán không còn thống nhất, đồng bộ với quy định liên quan tại các văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Phòng, chống rửa tiền...

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Trong thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong tổ chức thi hành pháp luật, quản lý giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán; góp phần cho hoạt động thị trường chứng khoán  phát triển an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp trong khi việc thu thập thông tin để phát hiện, xử lý các hành vi giao dịch nghi vấn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về thẩm quyền, vì vậy kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý còn hạn chế.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội.

Đại diện cơ quan thẩm tra sơ bộ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Chứng khoán nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm sự phát triển bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế, góp phần nâng hạng thị trường và bảo đảm thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng đánh giá, bố cục của dự thảo Luật là hợp lý, trong đó đã tập trung giải quyết những vấn đề đang vướng mắc hiện nay như chất lượng hàng hóa đầu vào của thị trường, hành vi thao túng giá, chống giao dịch nội gián, cải cách hành chính nâng cao hiệu quả công tác tổ chức vận hành, quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm...

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị làm rõ tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật của dự thảo Luật. Chủ nhiệm Lê Thị Nga bày tỏ băn khoăn đến việc đề xuất tăng mức phạt tiền xử lý vi phạm  hành chính trong lĩnh vực chứng khoán liệu có tạo ra mâu thuẫn khi quy định cao hơn mức xử lý của Bộ luật Hình sự hay không; đề nghị làm rõ thêm các nội dung liên quan đến chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, mô hình của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, mô hình của Sở giao dịch chứng khoán.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thì lại cho rằng nhiều nội dung của dự thảo Luật chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, như các quy định về thanh tra chứng khoán, quy định về xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, quy định về tổ chức xã hội nghề nghiệp. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị  Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát để có hướng quy định cho phù hợp với các luật liên quan như Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính, các luật về tố tụng.

Kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, Ủy ban Kinh tế sớm thẩm tra chính thức để bảo đảm dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 tới.

PHƯƠNG HẰNG