QĐND - 26 tháng tuổi, cháu Ngô Đức An ở khu 2, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) đã phải mồ côi cả cha lẫn mẹ sau vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Xí nghiệp 4, Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Thiếu hơi ấm của mẹ cha, tiếng khóc lạc giọng của bé An trong nhiều đêm dài để lại bao xót thương, trăn trở…

Gần một năm sau ngày cả bố và mẹ cháu Ngô Đức An mất, chúng tôi có dịp quay lại thắp nén hương lên ban thờ người quá cố. Câu chuyện quanh ấm trà với ông bà nội của cháu An tái hiện lại quãng thời gian mà gia đình phải đối diện với những mất mát, đau thương tưởng như không vượt qua nổi. Bà Nguyễn Thị Bảy (bà nội cháu An), nói: “Con trai, con dâu mất là cú sốc lớn nhất trong cuộc đời tôi. Nhìn cháu nội mới 26 tháng tuổi đã rơi vào cảnh côi cút mà lòng tôi thêm rối bời, xót thương”.

Khi còn sống, ngày nào bố mẹ cháu An cũng đi làm từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối mới về. Bố mẹ đi làm thì cháu chơi với ông bà. Nhưng cứ mẹ về nhà là cháu không rời nửa bước. Ba tháng đầu sau khi bố mẹ mất, đêm nào cháu An cũng khóc. Tiếng khóc của đứa trẻ thiếu hơi mẹ không ai dỗ dành được. Bà Nguyễn Thị Bảy nhớ lại: “Thời kỳ ấy, đêm nào cháu cũng khóc đến 2-3 giờ sáng”. Còn bác Nguyễn Văn Nhã là hàng xóm của ông bà nội cháu An thì chia sẻ: “Chúng tôi già rồi nên khó ngủ. Đêm đêm nghe tiếng khóc của cháu mà thương quá”.

Hội Phụ nữ Nhà máy Z121 thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình cháu Ngô Đức An.

Bố mẹ mất, ông bà nội của An năm nay đều đã gần 70 tuổi nên việc chăm sóc cháu cũng gặp không ít khó khăn. Nói về điều này, bà Nguyễn Thị Bảy tâm sự: “Tôi cũng đã 5 lần nuôi con thơ nhưng chăm sóc cháu An khó hơn rất nhiều. Một phần vì chế độ dinh dưỡng của cháu khác  trước, phần nữa, tôi và ông nhà đều cao tuổi cả rồi mà cháu lại còn nhỏ quá”.

Thật khó để kể hết những vất vả của ông bà Bảy trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc cháu An. Ông Ngô Văn Tiến (ông nội cháu An) cho biết thêm: “Thật tình, cho đến lúc này, chúng tôi cũng chưa thể tính hết mọi chuyện. Trong hoàn cảnh này, tôi thường động viên bà nhà tôi phải cố gắng để chăm lo cho cháu tốt nhất”.

Sau khi bố mẹ cháu An mất, ông Tiến quyết định nghỉ việc ở Hợp tác xã Phú Hộ để có thời gian cùng vợ chăm sóc cháu. Ông bà cũng quyết định bán hai con trâu của gia đình để có tiền nuôi dưỡng, chăm sóc cháu An. Tình yêu thương của ông bà và người thân trong gia đình bước đầu được đền đáp khi cháu An lớn nhanh và ngoan ngoãn. Nhìn cháu bụ bẫm, phát triển hơn so với tuổi, ai cũng mừng. Thấy có khách đến nhà, ban đầu cháu còn rụt rè, nhưng khi đã quen thì cậu bé trở nên rất hiếu động. Sau một hồi ngồi ngắm nhìn đứa cháu bi bô trò chuyện, đột nhiên ông Ngô Văn Tiến quay đi giấu những giọt nước mắt. Bế cháu An vào lòng, ông Tiến nói với tôi: “Vài năm nữa, sức tôi yếu rồi, không biết sẽ giúp cháu thế nào... ”.

Câu nói bỏ lửng của ông Tiến khiến chúng tôi không khỏi trăn trở. Quả thật, ông bà ngày càng già yếu, trong khi phía trước là chặng đường rất dài của cháu An. Tuy nhiên bước đầu, ông bà Tiến đều khá yên tâm bởi những chủ trương, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời của lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong quân đội và cấp ủy, chính quyền địa phương. Sự quan tâm của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với cháu An không chỉ đơn thuần là hỗ trợ vật chất, mà còn là những lời động viên, thăm hỏi, giúp đỡ thường xuyên, khiến ông bà nội cháu An rất xúc động. 

Bố mẹ cháu An mất đi là một mất mát không gì bù đắp được. Ngoài sự quan tâm, tình yêu thương của ông bà nội, người thân của cháu An và những đồng đội trong đơn vị bố mẹ cháu, Báo Quân đội nhân dân rất mong nhận được những tấm lòng hảo tâm quan tâm, giúp đỡ để hành trình đi đến tương lai của cháu An được thuận lợi. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Ông Ngô Văn Tiến, khu 2, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ; điện thoại: 0168.2361853.

Bài và ảnh: ĐỨC DỤC – KIM ANH