QĐND Online - Một ngày tháng 10, tôi có dịp cùng cán bộ, đoàn viên thanh niên, người lao động Công ty Cổ phần 22 (Tổng cục Hậu cần) hành trình về nguồn tại xã Thanh Định (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), nơi ra đời của Tổng cục Cung cấp-Tổng cục Hậu cần ngày nay. Mặc dù thời tiết đã chuyển mùa khá lạnh, tuy nhiên, ai cũng cảm thấy ấm áp khi được đón nhận những tình cảm thân thiết, gần gũi, chân tình mà cán bộ, đồng bào dân tộc vùng ATK dành cho…

Háo hức “về nguồn”

Sau khi Quốc lộ 3 hoàn thành, hành trình nối Thủ đô Hà Nội với Thủ đô gió ngàn Việt Bắc đã được rút ngắn rất nhiều. Chiếc xe ca chở chúng tôi lướt nhẹ trên con đường thoáng đãng, trong tiết trời se se lạnh cuối thu, bỏ lại sự ồn ào, tấp nập, bon chen của cuộc sống đô thị. Trên xe, những gương mặt cán bộ, đoàn viên, thanh niên của Công ty Cổ phần 22 ai cũng chất chứa sự háo hức, tò mò bởi với hầu hết, đây là lần đầu tiên họ được “về nguồn”, đến với vùng đất ATK Định Hóa, cái nôi của cách mạng trong những ngày đầu kháng chiến.

 

Đại tá Nguyễn Trọng Thiện tặng tấm biển biểu trưng bộ bàn ghế inox do Công ty sản xuất cho lãnh đạo xã Thanh Định.

Lúc chúng tôi đến, tại sân UBND xã Thanh Định đã có đông đủ các thành phần đại diện cho Đảng ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể của xã. Các cháu học sinh trường Trung học và Tiểu học Thanh Định trong bộ quần áo tinh tươm đứng nép sau cánh cửa hội trường, đôi mắt trong veo nhìn ra vừa tò mò, vừa hồi hộp. Các bác thương, bệnh binh trong bộ quân phục cũ bắt tay chúng tôi thật chặt, như những người đã thân quen từ lâu. Gương mặt ai cũng hân hoan, xúc động. Những lời thăm hỏi rộn rã cả góc sân UBND xã. Nhìn bộ đồng phục quần đen, áo trắng thanh lịch mà các đoàn viên của Công ty Cổ phần 22 mang mặc, một bác cựu chiến binh  ngập ngừng hỏi một vị cán bộ ủy ban: “Bộ đội này không mặc quần áo xanh ô liu nhỉ? Nhưng nom mặc quần đen, áo trắng, trông oách quá?”. Thấy bác cựu chiến binh tò mò, vị cán bộ ủy ban nhỏ nhẹ đáp lại: “ Công ty 22 của Tổng cục Hậu cần giờ đã cổ phần rồi, nên cán bộ, nhân viên mặc đồng phục công sở của Công ty. Áo trắng nhưng tình cảm vẫn như áo xanh thôi, vẫn là người của Hậu cần mà. Giống như các y, bác sĩ Bệnh viện 354 ấy, họ mặc áo trắng lên khám bệnh cho bà con ta, nhưng tấm lòng vẫn chân tình như những người lính Cụ Hồ trước đây”.

Chúng tôi bước vào hội trường kiểm tra công tác chuẩn bị. Phía bên trong hội trường, mọi công việc đã được hoàn tất. Những tấm biển hiệu được căng trang trọng, ngay ngắn, thể hiện sự trọng thị, mến khách mà người dân nơi đây dành cho đoàn.

 

Hạnh phúc là sẻ chia

Thấy các thành phần khách mời đã đến đông đủ, thay mặt lãnh đạo Công ty, Đại tá Vũ Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc đứng dậy nói lên cảm xúc và ý nghĩa của đợt hành trình về nguồn; đồng thời, khẳng định tình cảm thân thiết, gắn bó trước sau như một giữa những người lính Hậu cần nói chung, cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần 22 nói riêng đối với đồng bào xã. Sau phần đáp lời của ông Ma Thế Công, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Định là đến phần trao quà, hoạt động ý nghĩa nhất trong buồi về nguồn. Đại tá Nguyễn Trọng Thiện, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty đại diện cho lãnh đạo Công ty lên trao bộ bàn ghế inox do Công ty sản xuất cho đại diện UBND xã Thanh Định. Tiếp đó, các vị lãnh đạo Công ty lần lượt lên trao tặng 1 bộ trống đội và nhiều đồ dùng dạy học khác cho cô và trò Trường Trung học Cơ sở Thanh Định. Ngoài ra, Công ty còn tặng 10 suất quà cho các đối tượng chính sách đặc biệt của xã và 10 suất quà cho các cháu học sinh nghèo vượt khó học giỏi của trường Tiểu học và Trung học.

Kết thúc buổi tặng quà, tôi lại gần cháu Ma Thị Thảo Chinh, lớp 6A1, trường Trung học cơ sở Thanh Định hỏi chuyện. Theo lời kể, cháu mồ côi bố từ năm lớp 4, hiện ở với ông bà nội vì mẹ phải đi Hải Phòng làm thuê lấy tiền nuôi gia đình. Mặc dù phải sống xa bố mẹ, ông bà đã già yếu, tuy nhiên, cháu Chinh đã nỗ lực vượt lên khó khăn, vừa chịu khó học tập, vừa chăm chỉ lo toan việc nhà. Đặc biệt, đến nay, năm nào cháu cũng được tặng giấy khen. Thấy cháu ôm chặt gói quà vào lòng, tôi hỏi: “Cháu đã nghe nói về Công ty Cổ phần 22 bao giờ chưa?”. Vừa gật gật đầu, cháu vừa nhỏ nhẹ: “Cháu chỉ vừa được nghe cô giáo giới thiệu, đây là Công ty chuyên sản xuất lương khô cho bộ đội. Mà cháu cũng được ăn lương khô của Công ty rồi, ngon lắm chú ạ! Hôm trước, thấy cô giáo nói cháu được chọn đi nhận quà của Công ty, cháu vui lắm, cả đêm không ngủ được. Trước đây, cháu nghĩ bộ đội là chỉ cầm súng để đánh giặc, bây giờ mới hiểu thêm, bộ đội còn sản xuất cả các đồ dùng và bánh kẹo, lương khô nữa. Sau này cháu cũng muốn xin vào quân đội, được mặc đồng phục đẹp như các chú, các cô của Công ty”.

Đang trò chuyện với cháu Chinh, tôi thấy có một bác cao tuổi ôm gói quà lại gần đưa tay ra bắt. Hỏi chuyện, tôi được biết bác là Hoàng Văn Tuyền, 78 tuổi, nhà ở bản Cái, thôn Thanh Xuân. Vẫn giữ nguyên tay tôi, bác hồ hởi tâm sự: “Tớ trước cũng là bộ đội đấy, cũng tham gia giải phóng Điện Biên, rồi đi B, tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ. Giờ tớ đang bị dính chất độc màu da cam. Tớ có cái lạ, cứ nhìn thấy bộ đội là vui, là khí thế hừng hực, như thời trai trẻ vậy. Biết Công ty Cổ phần 22 chuyên sản xuất kim khí, doanh cụ, lương khô từ những năm chiến tranh, vậy mà giờ mới được gặp đông đủ cán bộ, nhân viên. Nhìn thấy ai cũng trẻ trung, phong độ, tớ thấy phấn khởi lắm...!”.

Chúng tôi rời UBND xã Thanh Định ra về trước sự lưu luyến, bịn rịn của người ở lại. Những cái bắt tay thật chặt như muốn giữ chúng tôi thêm chốc lát. Đại tá Nguyễn Trọng Thiện, Tổng giám đốc Công ty ghé tai tôi nói nhỏ: “Trước tình cảm chân thành, gần gũi của đồng bào nơi đây, mình thấy càng phải có thêm trách nhiệm với mảnh đất, con người nơi cội nguồn cách mạng. Đây là dịp để Công ty giáo dục truyền thống lịch sử, khơi dậy lòng tự hào, trách nhiệm của lớp trẻ đối với mảnh đất đã từng nuôi nấng, che chở cho những lớp cán bộ đầu tiên của Tổng cục Hậu cần. Tổng giá trị số tiền hơn 35 triệu đồng mà Công ty tặng xã và các đối tượng chính sách hôm nay dù chưa thật lớn, nhưng nó rất đáng quý vì được trích từ nguồn đóng góp, ủng hộ tự nguyện của người lao động, nòng cốt là cán bộ, đoàn viên của Công ty”. Nghe lời tâm sự thật lòng của người Tổng giám đốc, tôi càng thêm trân trọng tình cảm, tấm lòng mà cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần 22 dành cho đồng bào vùng ATK. Tôi tin rằng, sau chuyến hành trình về nguồn này, chắc chắn, những người trẻ của Công ty Cổ phần 22 sẽ có thêm tinh thần, quyết tâm mới để sáng tạo, cống hiến, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, góp phần xây dựng thương hiệu Công ty Cổ phần 22 ngày càng lớn mạnh, vững chắc.

Bài và ảnh: VĂN CHIỂN