Đối với Trung úy Nguyễn Văn Long, Trung đội trưởng của Đại đội 1, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 312 khi mới về đơn vị nhận công tác luôn có tâm trạng băn khoăn, lo lắng, bởi kinh nghiệm quản lý, chỉ huy bộ đội của anh chưa nhiều. Mặt khác, thực tiễn đơn vị luôn vận động, nếu người cán bộ không bắt tay ngay vào công việc, không tích cực học tập, rèn luyện thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ.

Mặc dù cố gắng bám sát giáo án, kế hoạch đề ra nhưng thời gian đầu Trung úy Nguyễn Văn Long vẫn gặp không ít khó khăn trong huấn luyện, cũng như công tác quản lý; nắm, định hướng tư tưởng bộ đội.

Cán bộ, chiến sĩ Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) ôn luyện đội ngũ. 

Hiểu rõ thực trạng trên cũng như tâm tư của đội ngũ cán bộ trẻ trong đơn vị, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 312 đã đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, đơn vị chú trọng mở các lớp tập huấn hằng năm để bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp thực hành huấn luyện; tác phong chỉ huy; kỹ năng xử lý các tình huống về tư tưởng; chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các đơn vị lựa chọn cán bộ có kinh nghiệm trực tiếp bồi dưỡng cán bộ trẻ; tạo điều kiện về thời gian để đội ngũ cán bộ trẻ tự học tập nâng cao trình độ, kỹ năng công tác; tạo môi trường tốt nhất để cán bộ trẻ trải nghiệm, khẳng định mình trong thực tiễn.

Gần một năm với sự nỗ lực của bản thân và sự quan tâm, giúp đỡ trực tiếp của Đại úy Lê Bá Tư, Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 14 từ phương pháp, tác phong chỉ huy đến thực tiễn trong huấn luyện, quản lý bộ đội, đến nay Trung úy Nguyễn Văn Long trở thành một trong những cán bộ có phương pháp, tác phong công tác tốt, chất lượng thực hiện nhiệm vụ được nâng lên rõ rệt.

Với Thượng úy Phạm Xuân Thuận, Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141 cho đến bây giờ, dù đã trên cương vị đại đội trưởng được gần nửa năm, nhưng anh vẫn không thể nào quên những khó khăn ban đầu và sự hỗ trợ, giúp đỡ của đồng chí, đồng đội trong đơn vị mà trực tiếp là Đại úy Phạm Xuân Hòa, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1.

Thượng úy Phạm Xuân Thuận chia sẻ: "Chính nhờ những góp ý từ "hội nghị đầu bờ" sau mỗi buổi huấn luyện; hoặc những góp ý trong kỹ năng xử lý mối quan hệ cán-binh; nắm, quản lý tư tưởng bộ đội của Tiểu đoàn trưởng mà tôi thấy mình trưởng thành hơn qua từng nhiệm vụ. Đặc biệt, là trong những nhiệm vụ khó được chỉ huy trung đoàn tin tưởng giao, như: Làm đội mẫu phục vụ các lớp tập huấn của quân đoàn, sư đoàn và đơn vị hay tham gia các hội thi, hội thao".

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Cao Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 165 chia sẻ: “Để cán bộ trẻ sớm trưởng thành thì phải tạo môi trường tốt để họ thể hiện năng lực, khẳng định bản thân. Môi trường tốt ở đây là được phát huy khả năng sáng tạo, cống hiến; bầu không khí dân chủ trong đơn vị được phát huy tốt; đồng chí, đồng đội yêu thương, giúp đỡ, cùng nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.

Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ trẻ, cùng với công tác quản lý, đánh giá, nhận xét đội ngũ cán bộ được tiến hành thường xuyên, nền nếp là cơ sở để đơn vị quy hoạch, phân loại, định hướng sử dụng cán bộ. 5 năm qua, trong các quyết định điều động, bổ nhiệm cán bộ ở đơn vị, số cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) chiếm 60,2%; sư đoàn đề nghị 172 cán bộ trẻ đi học tại các học viện, nhà trường trong quân đội.

“Kết quả cho thấy, đại đa số cán bộ trẻ có tư tưởng vững vàng, gắn bó với công việc; phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu trong học tập và công tác. Hằng năm, 100 % cán bộ huấn luyện được theo phân cấp, trong đó 90% cán bộ tiểu đoàn, 85% cán bộ đại đội, trung đội của sư đoàn huấn luyện đạt khá, giỏi trở lên”, Đại tá Trần Bình Trọng, Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 312 chia sẻ.

Hiện 100% cán bộ trẻ ở Sư đoàn 312 có tư tưởng vững vàng, gắn bó với công việc; phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu trong học tập và công tác, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, có nhiều chuyển biến tiến bộ vững chắc.

Bài và ảnh: TUẤN MINH