QĐND - Tuy đã cao niên và cũng trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, vậy mà khi được Trung tướng Bế Xuân Trường, Phó tổng Tham mưu trưởng trao chiếc chìa khóa căn nhà mới, bàn tay mẹ Nguyễn Thị Kế (mẹ của liệt sĩ Chu Phương Thị) ở xóm Hồng Quang, xã Hưng Đạo, TP Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) vẫn run lên bần bật. Mẹ Nguyễn Thị Kế vừa mở cửa căn nhà, vừa nói: "Thị ơi ! Thế là từ hôm nay, mẹ có nhà mới rồi...".
Hôm ấy, tiết trời Cao Bằng nắng nhẹ! Trong khuôn viên gia đình mẹ Nguyễn Thị Kế, cánh đào phai đã e ấp những nụ đầu tiên. Mẹ Kế bỏ đôi dép nhựa rách một bên quai hậu ở bậc cửa, rồi rón rén bước vào nền nhà vừa mới lát gạch hoa sáng bóng. Mẹ cười hiền hậu nói với mọi người: "Đi nền nhà mới không quen. Gạch gì mà cứ sáng như gương ấy! Mát lạnh cả bàn chân".
Nói rồi, mẹ lại nhớ đến những ngày gian khó sống trong ngôi nhà cấp bốn. “Giờ mẹ không nhớ nếp nhà xưa được sửa đi, sửa lại bao lần. Chỉ biết trước dựng lên bằng gỗ, lợp lá cọ. Sau các con, cháu gia cố lại bằng tường gạch, lợp ngói nhưng do thời gian đã lâu nên ngôi nhà xuống cấp lắm! Nhiều đêm mưa gió, mẹ cứ tránh hết chỗ này đến chỗ khác kèm theo nỗi lo không biết nhà sập xuống lúc nào”-mẹ Kế thủng thẳng nói với tôi như vậy.
 |
Đại diện cơ quan chính trị Bộ Tổng tham mưu và lãnh đạo địa phương chia vui cùng mẹ Lưu Thị Khánh trong ngày về nhà mới.
|
Cùng chung xóm nghèo, hoàn cảnh gia đình mẹ Lưu Thị Khánh (mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Long) cũng chẳng khá hơn gia cảnh mẹ Kế là bao. Ngày anh Nguyễn Văn Long tái ngũ (năm 1979), trước khi lên đường đã hứa với mẹ Khánh khi nào đất nước sạch bóng quân thù, sẽ trở về xây cho mẹ căn nhà gạch kiên cố, thay ngôi nhà lá cọ. Thế nhưng, anh Long đã mãi mãi nằm lại chiến trường và lời hứa với mẹ Khánh đành lỗi hẹn! Bao năm qua, mẹ Lưu Thị Khánh sống cùng con trai út là Nguyễn Văn Phong. Nguồn thu của cả gia đình mẹ chỉ trông vào ruộng cấy. Mẹ Khánh nói: “Nhiều năm mất mùa, lo cái ăn còn khổ, nói gì đến tiết kiệm tiền để xây nhà mới”.
Có lẽ vậy, nên tôi phần nào hiểu được giấc mơ về ngôi nhà mới khang trang của mẹ Khánh và mẹ Kế cứ dang dở mãi cho đến ngày hôm nay!
Trao đổi với chúng tôi về công tác chăm lo đời sống đối với người có công của xã, đồng chí Hoàng Thị Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Đạo cho biết: “Cấp ủy, chính quyền địa phương cùng bà con lối xóm cũng mong giúp đỡ phần nào cho các mẹ bớt khó khăn. Tuy nhiên, hiện toàn xã có 110 gia đình liệt sĩ, 8 cán bộ lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa, 23 thương binh, 7 bệnh binh, 3 đối tượng bị nhiễm chất độc da cam, trong khi, điều kiện kinh tế của địa phương còn nhiều khó khăn. Vì vậy, thời gian qua, mặc dù chính quyền, các đoàn thể ở địa phương hết sức quan tâm nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc thăm hỏi, động viên tinh thần, còn huy động kinh phí để xây tặng nhà tình nghĩa cho các gia đình người có công, quả thực nằm ngoài khả năng của xã”.
Thấu hiểu khó khăn của địa phương và mong muốn tri ân đối với các mẹ, lãnh đạo, Thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu (BTTM) đã giao nhiệm vụ cho Cục Hậu cần chủ trì thiết kế, thi công xây hai căn nhà tặng mẹ Kế và mẹ Khánh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Sau 4 tháng thi công, ngôi nhà mẹ Lưu Thị Khánh được xây dựng trên diện tích gần 50m2 và nhà mẹ Nguyễn Thị Kế có diện tích gần 70m2. Mỗi căn nhà được kết cấu nhà cấp 4 gồm 3 gian và công trình phụ; móng gạch, tường kiên cố, mái lợp tôn, nền lát gạch hoa. Tổng kinh phí xây dựng hai căn nhà là 240 triệu đồng (trong đó, Bộ Quốc phòng hỗ trợ 70 triệu đồng/nhà, Cục Hậu cần, BTTM hỗ trợ hai căn nhà 100 triệu đồng).
Chia sẻ với chúng tôi về quá trình xây dựng nhà tình nghĩa tặng hai mẹ liệt sĩ, Đại tá Nguyễn Quang Thụ, Chính ủy Cục Hậu cần BTTM nói: “Trong quá trình triển khai xây dựng hai căn nhà tặng các mẹ, chúng tôi thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra chất lượng từng bao cát, viên gạch, tấm tôn. Vì vậy, từng căn nhà không chỉ bảo đảm tiến độ, mà chất lượng cũng rất cao. Chúng tôi luôn cho rằng: Đây là cách để cán bộ, chiến sĩ Cục Hậu cần nói riêng, BTTM nói chung thể hiện trách nhiệm, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công".
Chia tay bà con xã Hưng Đạo để trở về đơn vị, nhưng hình ảnh mẹ Kế và mẹ Khánh tay run run, mắt ngấn lệ cứ nắm chặt tay từng cán bộ trong đoàn công tác của BTTM thực sự khiến tôi xúc động. Có lẽ, đó là ngày vui nhất trong cuộc đời của mẹ. Hai mẹ khóc vì hạnh phúc và khóc vì nhớ tới những người con trai anh dũng của mình.
Bài và ảnh: DUY THÀNH