Từ trung tâm huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, chúng tôi về xã Bum Nưa, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Mường Tè. Hai bên đường là những ngôi nhà tầng, những cánh đồng lúa chín vàng trải dài. Đồng chí Vàng Thị Thánh, Chủ tịch UBND xã Bum Nưa cho biết: "Tôi là cháu nội của ông Vàng Văn Pằn, ở bản Bum, xã Bum Nưa. Ngày 25-1-1954, tại nhà ông tôi, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Mường Tè được thành lập".
Nhớ lại những câu chuyện từng được ông nội kể từ thuở ấu thơ, đồng chí Vàng Thị Thánh cho biết: Ngày ấy, thực dân Pháp xây dựng một trận địa pháo phòng không ở đỉnh núi Pu Chi Út và lập đồn Mường Bum. Chúng cướp bóc, hà hiếp, đầu độc đồng bào bằng rượu cồn, thuốc phiện; đồng thời thực hiện nhiều thủ đoạn tàn bạo hòng chặn, diệt mầm mống cách mạng trên quê hương Mường Tè.
 |
Chính quyền, đoàn thể xã Bum Nưa thăm quan, hướng dẫn nhân dân thực hiện mô hình nuôi cá. |
Sau cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Mường Tè được giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ngày 25-1-1954, Chi bộ Đảng huyện Mường Tè được thành lập, gồm các đồng chí: Lê Bình-Bí thư chi bộ, Kim Hoàng-Phó bí thư chi bộ và Nguyễn Bẩy-Chi ủy viên. Sự kiện này đã đánh dấu mốc lịch sử quan trọng đối với đồng bào các dân tộc huyện Mường Tè. Tuy còn non trẻ nhưng chi bộ Đảng đã lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương, lãnh đạo nhân dân phối hợp với các lực lượng vũ trang tiễu phỉ, trừ gian, xóa bỏ đói nghèo, tệ nạn xã hội. Nhờ đó, nạn đói được thu hẹp dần, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Theo từng giai đoạn lịch sử, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Mường Tè cũng luôn đoàn kết, một lòng đi theo Đảng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dù còn nhiều khó khăn gian khổ, nhân dân các dân tộc huyện Mường Tè đã đóng góp 76 tấn gạo, 513 dân công, gần 60 thuyền, ngựa làm phương tiện vận chuyển, góp phần cùng cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Mường Tè luôn là hậu phương vững chắc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ.
Thoáng chút trầm ngâm, đồng chí Vàng Thị Thánh tâm sự: “Qua nhiều năm tháng, căn nhà thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện không còn nữa. Bản thân tôi rất mong các cấp chính quyền và sở, ban, ngành quan tâm để phục dựng ngôi nhà, trở thành địa chỉ đỏ ghi dấu, tri ân công lao của thế hệ cha anh, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau”.
Bài và ảnh: THÙY GIANG