Không còn du canh, du cư

Biết tin có đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh Lai Châu và đoàn thiện nguyện đến tặng quà, ngay từ sáng sớm, bà con dân tộc La Hủ thuộc khu dân cư Nặm Pặn (bản Pắc Ma, xã Mường Tè, huyện Mường Tè) đã có mặt tại nhà văn hóa bản. Trong bộ trang phục truyền thống, nét mặt vui tươi, phấn khởi, ông Lu Ly Cà, Trưởng bản Pắc Ma cho biết: “Khu dân cư Nặm Pặn có 50 hộ dân thuộc dân tộc La Hủ sinh sống. Đây là khu mới được tách ra từ xã Pa Ủ. Ngày mới về định cư, cuộc sống của bà con khó khăn lắm, nhưng được Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư, hỗ trợ làm nhà, làm đường, hướng dẫn chăn nuôi, trồng trọt nên bà con giờ đã ổn định hơn trước rồi. Nghe lời cán bộ, bà con không du canh, du cư nữa”.

Mường Tè là xã nội địa của huyện Mường Tè, cách trung tâm huyện hơn 30km, toàn xã có 1.040 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu, có 7 bản với nhiều dân tộc cùng sinh sống gồm: Thái, La Hủ, Hà Nhì, Kinh... Sau khi thực hiện chính sách hỗ trợ làm nhà ở theo Đề án 1672, đến nay, nhà tranh tre, nứa lá của các hộ nghèo thuộc dân tộc La Hủ trong xã đã cơ bản được xóa bỏ, tỷ lệ nhà ở đạt tiêu chuẩn “3 cứng” đạt hơn 90%. Bà con yên tâm định cư, lao động sản xuất, nhiều mô hình làm ăn đã hình thành, phát triển như trồng quế, trồng dong riềng...

Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu hướng dẫn đồng bào La Hủ kỹ thuật chăn nuôi bò. 

Nằm cách xã Mường Tè khoảng 20km, dọc theo dòng sông Đà, chúng tôi đến xã Pa Ủ, huyện Mường Tè. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp những khu dân cư nhà lợp mái tôn nằm trải dài, quy củ, ngăn nắp. Từ trên cao nhìn xuống thung lũng là một màu xanh tươi tốt của lúa, của ngô đang vào vụ. Lên bản Mu Chi, bản Tân Biên, chúng tôi thấy nhiều nhà đã có máy cày, máy xát, điều này cho thấy bà con dân tộc La Hủ đã biết thay đổi phương thức sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Chia sẻ với chúng tôi, ông Thàng Xuân Ly, Phó chủ tịch UBND xã Pa Ủ cho biết: “Pa Ủ là xã biên giới có đường biên dài hơn 28km. Cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, trong đó dân tộc La Hủ có 3.014 người, chiếm 98%. Đồng bào La Hủ thường được gọi là “tộc lá vàng” vì trước kia bà con sống du canh, du cư trong rừng, lợp lán sống tạm, khi lá lợp lán ngả màu vàng thì họ chuyển đi nơi khác. Từ khi thực hiện Đề án 1672 của Chính phủ, đặc biệt với sự tham gia làm công tác dân vận của Bộ đội Biên phòng, cuộc sống dân bản đã ổn định hơn nhiều. Người dân đã biết trồng lúa nước, xây dựng mô hình chăn nuôi, cây trồng hiệu quả”.

Hiệu quả của một đề án

Ông Kiều Hải Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: “Sau khi Đề án 1672 được phê duyệt, UBND huyện Mường Tè đã ban hành quyết định thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc thực hiện đề án, do đồng chí phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban chỉ đạo; Phòng Dân tộc huyện là cơ quan thường trực có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tham mưu cho UBND huyện tổ chức triển khai, thực hiện”.

Thực hiện Đề án 1672, từ năm 2013 đến 2020, huyện Mường Tè đã xây dựng 9 công trình giao thông, thủy lợi. Tổng số hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở là 1.957 hộ, định mức 15 triệu đồng/hộ; thực hiện 21 mô hình sản xuất và hỗ trợ trực tiếp giống, vật tư sản xuất cho hơn 20.000 lượt hộ dân; hỗ trợ học sinh con hộ nghèo các dân tộc, trong đó có đồng bào La Hủ, học sinh học tại các trường THCS nội trú, THPT, sinh viên, học sinh học tại các trường chuyên nghiệp... Có thể nói, Đề án 1672 là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, vật chất, tinh thần của đồng bào 3 dân tộc Cống, Mảng, La Hủ ở huyện Mường Tè. Đề án 1672 cũng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là công cuộc xóa đói, giảm nghèo, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc trong huyện, củng cố vững chắc lòng tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN