Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền thuộc các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đã tích cực, chủ động thực hiện chủ trương trên bằng nhiều giải pháp sáng tạo, không những bảo đảm về số lượng tổ chức đảng và đảng viên, mà còn từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Tiêu chí bắt buộc khi thành lập thôn, buôn mới
Đề cập đến quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Đắc Nông trong việc xóa thôn, buôn “trắng” đảng viên tại chỗ và tổ chức đảng, đồng chí Phạm Văn Đức, Trưởng phòng Tổ chức đảng-đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Đầu năm 2004, khi mới tái lập, tỉnh Đắc Nông có 547 thôn, buôn, bon thì còn tới 26,5% thôn, bon “trắng” về đảng viên và chi bộ đảng. Trước tình hình đó, căn cứ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX), Tỉnh ủy Đắc Nông ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 13-5-2004 về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị gắn với xây dựng thôn, buôn, bon, tổ dân phố vững mạnh toàn diện”, trong đó xác định: “Tăng cường công tác kết nạp đảng viên, mỗi năm kết nạp được từ 800 đến 1.000 đảng viên”.
Chi bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Cư M’gar (Đắc Lắc) sinh hoạt chuyên đề về phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với tăng cường, điều động đảng viên về cơ sở, để thành lập chi bộ khu dân cư, tháng 6-2009, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắc Nông ban hành Công văn số 677-CV/BTC “Về việc tiếp tục chỉ đạo, hoàn thành việc xóa thôn, buôn, bon, tổ dân phố ghép chi bộ và “trắng” đảng viên”, với yêu cầu, khi chia tách, thành lập đơn vị hành chính cấp thôn mới, thì phải có đủ đảng viên để thành lập chi bộ; coi đây là một trong những tiêu chí bắt buộc khi thành lập thôn, buôn, bon, tổ dân phố. Với cách làm trên, đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 100% thôn, buôn, bon, tổ dân phố có chi bộ; chỉ còn 4 buôn, bon chưa có đảng viên người tại chỗ. Tỉnh ủy Đắc Nông cũng đề ra mục tiêu đến cuối năm 2018, hoàn thành xóa thôn, buôn, bon, tổ dân phố “trắng” đảng viên tại chỗ.
Trong 2 nhiệm kỳ gần đây, Tỉnh ủy Đắc Lắc đề ra chỉ tiêu mỗi năm phát triển 3.500 đảng viên mới. Theo đồng chí Lê Năng Hảo, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, hằng năm tỉnh đều vượt chỉ tiêu phát triển Đảng; đến đầu năm 2017, toàn tỉnh có 100% thôn, buôn có chi bộ Đảng và chỉ còn 4 thôn, buôn vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do chưa có đảng viên người tại chỗ. Điển hình là huyện Cư M’gar, từ năm 2009 đã hoàn thành mục tiêu 100% thôn, buôn có chi bộ Đảng và có đảng viên tại chỗ, đồng thời tăng cường xây dựng chi bộ có cấp ủy. Theo đồng chí Lê Nam Cao, Phó bí thư Huyện ủy, đến đầu năm 2017, toàn huyện có 73/189 chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố có cấp ủy, chiếm 38,62%.
Tháng 4-2006, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum có Quyết định số 138-QĐ/TU, về ban hành “Đề án xóa thôn, làng chưa có đảng viên đến năm 2010, tiến tới xóa thôn, làng chưa có tổ chức đảng”; tiếp đó chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 02-HD/TC, hướng dẫn thực hiện đề án. Theo đó, từ năm 2006 đến 2016, toàn tỉnh tăng cường 1.828 lượt đảng viên, cấp ủy viên về các thôn, làng để thành lập chi bộ, đẩy mạnh công tác phát triển Đảng. Kết quả đã kết nạp được 4.637 đảng viên mới, xóa được 71 thôn, làng chưa có đảng viên. Từ chỗ năm 2006, tỉnh Kon Tum còn 9,89% thôn, làng chưa có tổ chức đảng và 20,76% thôn, làng chưa có đảng viên tại chỗ, đến nay 100% thôn, làng trên địa bàn tỉnh đã có chi bộ Đảng; chỉ còn 10/857 thôn, làng chưa có đảng viên tại chỗ, chiếm 1,17%. Tháng 8-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Kết luận số 1786-KL/TU, trong đó đặt ra mục tiêu: Không để tái “trắng” đảng viên tại chỗ ở thôn, làng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng ở thôn, làng, phấn đấu hằng năm có 50% đảng viên ở khu dân cư hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.
Đồng bộ giải pháp trước mắt, lâu dài
Gia Lai là tỉnh đầu tiên ở Tây Nguyên hoàn thành mục tiêu “100% thôn, làng, tổ dân phố có chi bộ Đảng và có đảng viên người tại chỗ”. Lý giải về cách làm và kết quả đạt được, đồng chí Lâm Quang Dũng, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2005-2010), Đảng bộ tỉnh Gia Lai phân tích rõ nguyên nhân dẫn tới tình hình mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội xảy ra ở Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung vào các năm 2001 và 2004, một phần do nhiều khu dân cư “hổng về tổ chức đảng và đảng viên”. Cụ thể, năm 2005, toàn tỉnh còn 111/2.145 thôn, làng, tổ dân phố chưa có đảng viên tại chỗ; 949 thôn, làng, tổ dân phố chưa có chi bộ Đảng.
Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU, ngày 11-7-2006 về việc kết nạp đảng viên, thu hẹp thôn, làng, tổ dân phố chưa có đảng viên và tổ chức đảng. Năm 2011, Tỉnh ủy Gia Lai có Công văn số 354-CV/TU, về việc “Tăng cường kết nạp đảng viên và thành lập tổ chức đảng ở thôn, làng chưa có đảng viên tại chỗ, chưa có tổ chức đảng” và Công văn số 520 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về việc “Bảo đảm điều kiện có đảng viên trước khi chia tách, thành lập thôn, làng mới”. Ban Tổ chức Tỉnh ủy trực tiếp hướng dẫn, đôn đốc và triển khai đồng bộ các giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Theo đó giải pháp trước mắt là: Điều chuyển đảng viên là cán bộ công chức cấp xã tham gia sinh hoạt tại thôn, làng cho đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ; tăng cường thêm một đồng chí Phó bí thư phụ trách cơ sở tại 10 huyện và 43 xã khó khăn, nơi còn nhiều khu dân cư chưa có đảng viên tại chỗ và chưa có tổ chức đảng; bố trí sĩ quan biên phòng làm Phó bí thư Đảng ủy tại 7 xã vùng biên, thuộc 3 huyện biên giới, trực tiếp phụ trách công tác phát triển Đảng.
Còn biện pháp lâu dài, là đẩy mạnh tạo nguồn, phát triển đảng viên tại chỗ. Hằng năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai trực tiếp hướng dẫn, yêu cầu Đảng bộ cấp xã định kỳ 6 tháng/lần, rà soát, lập danh sách, phân loại quần chúng ưu tú, đưa vào nguồn phát triển Đảng, báo cáo Ban Tổ chức Huyện ủy để giám sát, đôn đốc phát triển đảng viên. Từ năm 2005 đến 2016, tỉnh Gia Lai phát triển được 23.959 đảng viên; đến tháng 10-2013, toàn tỉnh có 100% thôn, làng, tổ dân phố có chi bộ Đảng và có đảng viên tại chỗ, hoàn thành sớm 2 năm so với chỉ tiêu đề ra tại Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI).
Cách làm hiệu quả của tỉnh Lâm Đồng là các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy; các đồng chí Tỉnh ủy viên… được giao địa bàn thường xuyên về cơ sở, xuống khu dân cư để nắm tình hình, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, trong đó có công tác phát triển đảng viên và xây dựng tổ chức đảng. Từ năm 2010 đến 2016, toàn tỉnh kết nạp được 14.247 đảng viên mới, trong đó có 12.186 đảng viên được kết nạp ở khu dân cư. Đến cuối năm 2016, trong 1.573 thôn, buôn, tổ dân phố, chỉ còn 6 thôn, buôn, tổ dân phố chưa có chi bộ (sinh hoạt ghép), 100% thôn, buôn, tổ dân phố đã có đảng viên tại chỗ. Tỉnh ủy Lâm Đồng đề ra kế hoạch trong năm 2017 sẽ xóa 4 thôn, buôn, tổ dân phố “trắng” tổ chức đảng và đến năm 2018, có 100% thôn, buôn, tổ dân phố có chi bộ; không để thôn, buôn, tổ dân phố tái “trắng” đảng viên tại chỗ.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, từ năm 2001 đến 2016, toàn vùng Tây Nguyên phát triển được hơn 115 nghìn đảng viên mới, tăng gấp 2,17 lần. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ thôn, buôn, tổ dân phố toàn vùng có chi bộ đạt 99,92%, chỉ còn 6 thôn, buôn chưa có chi bộ; tỷ lệ chi bộ có đảng viên tại chỗ chiếm hơn 98%. Những kết quả trên cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị các cấp vùng Tây Nguyên trong việc phát triển đảng viên, xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở đảng ở thôn, buôn, khu dân cư./.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: BÌNH ĐỊNH –TIẾN DŨNG